Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Thư ngỏ Dự án Lai Châu - Nà É vượt nghèo

Bạn đã bao giờ thấy lòng mình trĩu nặng khi nhìn vào màn sương mù dày đặc bao phủ cả núi rừng? Bạn đã bao giờ thấy lòng mình giá buốt theo tiếng mưa rơi buồn bã bên những hiên nhà sàn xiêu vẹo, rách nát? Bạn đã bao giờ thấy lòng mình xót xa khi đi trên những con đường lầy lội dẫn vào bản nhỏ? Bạn đã bao giờ thấy trái tim mình nhói đau khi nhìn thấy những em bé co ro trong những manh áo mỏng manh, cái quần cũ rách nát đứng ngẩn ngơ trong gió lạnh mùa đông? 
Tôi đã đến, và tôi đã thấy, những mái nhà sàn liêu xiêu, trống huơ trống hoác, những mái nhà không thể che nổi mưa nắng, những cụ già lưng còng, khẳng khiu như que củi khô, những em bé bên đường mặc quần không mặc áo, mặc áo không mặc quần, những ngón chân trần tím tái bấm chặt xuống nền đất đồi lầy lội, những khuôn mặt lấm lem bùn đất... duy chỉ có đôi mắt các em là vẫn to tròn, ngơ ngác, sợ sệt rồi hân hoan, mừng rỡ khi được cho kẹo... Mường Kim chỉ cách thị trấn Than Uyên của tỉnh Lai Châu có hơn 10 cây số, mà sao cuộc sống lại khác biệt đến vậy?
Tôi cũng là một người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất rừng núi bao la đá sỏi, ngút ngàn sương mù và mây phủ, nhưng tại mảnh đất này khi nhìn xuống bản nhỏ, lòng tôi vẫn chùng xuống và không khỏi xót xa cho những người dân nghèo nơi đây. Trong tôi nhói lên một cảm xúc kỳ lạ, khó tả bằng lời. Tôi chợt tự hỏi: Tại sao người dân nơi đây vẫn không đủ cơm để ăn, không đủ áo ấm để mặc, trẻ con không đến trường khi đến tuổi cắp sách.... phải chăng nhà nước không quan tâm đến họ hay bởi họ muốn sống như bao đời nay vẫn thế.... Cả ngàn câu hỏi cứ quẩn quanh, thôi thúc trong tôi.
Câu trả lời đến còn khiến tôi nhức nhối hơn khi tôi đi tìm nó. Người dân nơi đây nghèo khó, thiếu thốn bởi nhận thức ấu trĩ, bởi thói chây ỳ, ỷ lại nhà nước, bởi tập quán sinh sống, thói quen nuôi trồng tự nhiên, bởi trình độ dân trí ở mức thấp nhất... Vậy nếu mình có thể giúp cho họ một manh áo ấm, dăm ba cân gạo, vài gói mỳ tôm, liệu ngày mai, ngày kia họ có hết đói không?
Tôi tự hỏi tại sao tôi và các bạn - chúng ta không sát cánh bên họ, ăn cùng họ một bữa cơm ngô, uống với họ cốc nước gùi dưới suối, ngủ với họ một đêm trên tấm đệm bông lau tự làm, cùng họ trèo lên núi, ngồi trong lán mà ngắm đất đồi trơ sỏi trắng xoá, thử hứng cái gió, cái rét cắt da cắt thịt, cảm nhận cái buốt lạnh, tím tái từ đôi bàn chân trần đi đất... để hiểu họ đang nghĩ gì, mong muốn gì... Sao không nắm chặt tay họ, dắt họ đi từng bước, chỉ họ từng điều hay, dạy họ cách nuôi trồng... đưa họ đến với những điều tươi sáng cho ngày mai....
Và tôi muốn, tôi muốn nhiều lắm. Tôi muốn các em thơ có cặp sách mới, tập vở mới, náo nức đến trường trong bộ cánh thơm tho, sạch sẽ, chân đi giầy vải ấm áp, khuôn mặt trắng hồng, mắt ánh niềm tươi vui. Tôi muốn các cụ già được mặc manh áo ấm, ngồi bên bếp lửa kín gió mà móm mém nhai trầu... Tôi muốn những thanh niên của núi rừng mộc mạc ấy biết cách trồng cây lúa, nuôi con dê, con lợn một cách khoa học, để họ có thể có được nguồn thu nhập ổn định và cải thiện được đời sống của chính mình. Và tôi mơ, mơ về một ngày mai tươi sáng sẽ đến với bản làng.
Tôi, các bạn - chúng ta có thể nào làm ngơ với những số phận đói ăn, thiếu thốn quanh năm, chúng ta hãy cùng nhau hành động ngay hôm nay, ngày mai và mãi mãi vì cộng đồng, vì cả chính tương lai của mỗi chúng ta nữa.
Xin gửi đến các bạn một thông điệp, dù không mới nhưng tôi nghĩ nó luôn cần trong hành trang vốn sống của mỗi chúng ta: Sống trên đời cần có một tấm lòng !
Tạm biệt Mường Kim, chúng tôi sẽ trở lại !
10.04.2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét