Cổ nhân đã dạy: Chữ Trinh đáng giá nghìn vàng, tất nhiên, tôi luôn tôn trọng tiền bối, do vậy tôi không bao giờ có ý định đánh giá hay bình luận về câu nói chuẩn mực đó.
Nhưng ngày nay, thời đại @, có người chỉ mất mười lăm triệu vì cái ngàn vàng đó, mà khiến cho bao người bất bình phẫn nộ: một cái giá quá đắt. Và tôi cũng thấy vậy.
………..
19h 20 phút, con trai gọi điện: “Mẹ chưa về à? Con đói bụng lâu rồi”. Cuống cuồng thu dọn mặt bàn để ra về thì chuông điện thoại lại reo: “Em chịu khó ở lại tiếp khách nhé. Vụ này hay đấy, không nghe không biết là thiệt, hê hê”. Bực mình, cái lão đồng nghiệp quái gở này, cái lão dị nhân có thể sẵn sàng tiếp khách đến 24h khuya, sẵn sàng dậy từ 3h sáng để đọc hồ sơ, sao lúc nào cũng cứ nghĩ mình là đàn ông như lão được nhỉ. Thấy điên, nhưng lại vẫn hơi áy náy pha chút tò mò. Thôi được, đợi thì đợi. Đằng nào thì cũng sắp 20h rồi.
Khách hàng đến cùng chồng, cũng là bác sĩ. Hai bàn tay chị cứ đan vào nhau, rồi vặn vẹo chúng một cách tàn nhẫn, như muốn dứt xé một điều gì. Cặp mắt lo âu ẩn sau đôi kính cận dày cộp. Và giọng nói nhẹ nhàng nghe thoang thoảng, đôi lúc lại phải dừng lại vì quá xúc động. Suốt hai mươi năm hành nghề, chưa bao giờ chị mắc phải sai sót nào ngớ ngẩn như lần này, khi mà chị tiến hành thủ thuật siêu âm đầu dò mà lại quên không hỏi bệnh nhân là đã có gia đình hay chưa, dù bệnh nhân tự đến và yêu cầu chị tiến hành thủ thuật này. Sau khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân tự mặc đồ vào, không thấy kêu đau, không thấy kêu ra máu, và bình tĩnh đón nhận kết quả ra về. Đến 15h cùng ngày, bệnh nhân quay lại một mình, “bắt đền” chị với lý do chị làm rách màng trinh của cô ta, với cái giá năm mươi triệu đồng. Chị đã muốn thương lượng để trả cho xong luôn đi, nhưng chồng chị không đồng ý, anh sợ rằng lần sau cô ta sẽ lại quay lại và lại một món tiền nữa sẽ phải ra đi, kéo theo là sự căng thẳng mà có thể vợ anh lại phải gánh chịu. Anh muốn nhờ luật sư đứng ra đàm phán để bồi thường một số tiền hợp lý cho cô ta, với yêu cầu là sao cho cô ta không bao giờ quay lại đòi tiền thêm một lần nào nữa.
Sau khi trao đổi kỹ tình hình và động viên thân chủ, tôi liền liên lạc với cô bé kia. Phải nói là tôi đã rất bất ngờ khi nghe thấy giọng cô ta, cao, nhanh, ráo hoảnh và rành rọt. Đây là giọng nói của một cô bé mới 20 tuổi, vừa mất cái ngàn vàng được chưa đầy 10 tiếng đồng hồ sao? “Em đã nói với chị ấy rồi, chỗ cùng là chị em phụ nữ với nhau, em rất thông cảm và đâu có làm khó chị ấy, nhưng chị ấy không hiểu. Em nói thật với chị chứ, mất thì đã mất rồi, dù cho có bỏ tiền tỷ ra cũng đâu lấy lại được trinh tiết cho em”. Ặc ặc, tôi suýt sặc nước. Cô ta nói nhiều và nhanh hơn cái giọng trầm đều, thương cảm mà tôi đang dùng nhiều, khiến cho tôi tự hỏi: ngàn vàng ngày xưa và tiền tỷ bây giờ, có chênh lệch nhau nhiều không ấy nhỉ? Chậc, nhà nghèo, đâm ra tôi đâu biết định giá và so sánh. Nói, và nghe, cứ thế thống thiết trong khoảng một giờ đồng hồ, tôi cũng đi đến thống nhất được với cô bé là trưa mai sẽ gặp cô bé tại hiện trường, tức phòng khám. Sáng mai cô bé vẫn phải đi học, nên không thể gặp sớm hơn được. Tôi trộm khen cô bé, bé thế mà nghị lực, vừa mất bao nhiêu là của, vậy mà vẫn vượt qua được vật vã mà đi học bình thường như ai. Phụ nữ hiện đại có khác, thật đáng khen, vừa can đảm vừa hiếu học, tính toán vừa nhanh vừa giỏi, thoát cái ra con số triệu, thoắt cái ra con số tỷ. Phải người khác yếu đuối mà mắc phải hoàn cảnh này á, chắc đã trùm chăn khóc sướt mướt mấy ngày.
Đúng hẹn, tôi đến phòng khám, trên đường đi đã thấy cô bé nhắn tin léo nhéo: “Chị đã đến chưa? Em đang trên đường đến.” Tôi lại thầm khen tiếp, thật hiếm có ai nhiệt tình và hăm hở như cô bé, trên con đường đi tìm lại sự bồi thường thiệt hại cho cái giá nghìn vàng của mình.
Tôi không ngỡ ngàng là bao khi cô bé xuất hiện, bởi đúng như dự đoán của tôi, cô ta có cặp mắt đảo như rang lạc, cặp mông núng nính đồng bộ với sự đồ sộ của toàn thể các cơ quan trên người. Chỉ có lão bạn đồng nghiệp của tôi là bĩu môi thườn thượt, suýt méo cả mồm vì bĩu lâu quá. Ai khiến hay tưởng tượng, làm như gái xinh mới dám mạnh mẽ sao? Đi cùng với cô bé là một người đàn bà trạc 40 tuổi, gầy như que sậy và nói như súng liên thanh, tự giới thiệu là cô ruột của cô bé. Vừa ngồi xuống nghế là bà ta đã bật máy ầm ĩ, khiến cho thân chủ của tôi cuống quýt sợ hãi, với màn giới thiệu rằng bản thân là một bác sỹ siêu âm, làm ở bệnh viện này kia. Hèn gì cô cháu nói chuyện có chuyên ngành thế, biết cả nguyên tắc là khi thực hiện thủ thuật siêu âm đầu dò bắt buộc phải hỏi về tình trạng hôn nhân của bệnh nhân, biết cả chuyện nếu như khởi kiện ra tòa thì thân chủ tôi sẽ có nguy cơ bị tước giấy phép hành nghề. Bà ta thống thiết kêu than cho cái giá ngàn vàng giờ đã mất đi của cô cháu, giờ đây tương lai của cháu nó sẽ ra sao, ai sẽ bù đắp cho cháu nó nếu một mai người chồng không chấp nhận. Nghe những câu từ bà ta tuôn vàng nhả ngọc, lại cứ tưởng hội bát âm đến hát. Giá kể cách đây dăm bảy thế kỷ, có cô thôn nữ không may xoạc chân ngã ở triền dốc mà đánh rơi mất cái ngàn vàng, chắc cũng không đến nỗi thống thiết như trường hợp này. Như thể thảm họa sóng thần cũng không thể nào tàn bạo hơn hành vi này. Cô cháu ngồi im lặng nghe, mắt chớp chớp, ra chiều đau khổ. Tôi cứ nhìn sâu vào mắt cô bé, mong tìm thấy một dấu hiệu, dù là nhỏ nhất, của sự sưng mọng, hay chút vằn đỏ, nhưng vô vọng. Quái lạ, theo quy luật thì chiều qua hoặc đêm qua là phải khóc ướt mất mấy cái khăn mùi xoa ấy chứ. Phải chăng khi đau khổ quá người ta cũng không thể khóc? Nhưng không, có lẽ nào trong trường hợp mất nhiều của như thế này, cô bé lại không khóc chút nào? Lạ kỳ chưa, Giàng ơi, Chúa ơi, Thánh Ala ơi.
Ông bạn đồng nghiệp của tôi, sau một hồi trầm ngâm quan sát, bắt đầu ném đá hội nghị bằng những câu thủng thẳng rất… nhiệt. “Gớm, bà cứ làm như tôi chưa biết cái giá nghìn vàng là cái gì ấy. Này nhé, có cần tôi mô tả cấu tạo cho không? Nói thật với bà chứ, nhìn dáng đi là tôi biết cháu bà đánh rơi cái nghìn vàng ấy đi từ lâu rồi”. Ôi trời ơi, cái thể loại đàn ông tàn nhẫn mà ngoa ngoắt, tôi lo lắng nhìn cô bé, định bụng sẽ phải an ủi ngay kẻo thêm màn khóc lóc nữa thì không khác gì có phường bát âm. Nhưng hóa ra tôi đã lo lắng một cách thái quá. Vẫn với cái giọng cao, nhanh, rành mạch và ráo hoảnh, nhả ra từ cái miệng có hai bờ môi mỏng dính, trên khuôn mặt tròn vành vạnh như cái đĩa màu trắng hay đựng món thịt kho tàu nhà tôi, cô bé đốp chát lại ông bạn đồng nghiệp của tôi, câu nào ra câu đấy, không thiếu không thừa. Thật đáng khâm phục tinh thần quật cường của cô bé, trong đau thương vẫn khong ngừng nghỉ, vẫn chiến như thường. Thôi cô bé không cho tôi bày tỏ sự thương cảm, thì tôi lại phải thực hiện đúng chức năng của mình vậy. Tôi đưa ra đơn mời luật sư để khẳng định tư cách tham gia cuộc đàm phán hôm nay của tôi và đồng nghiệp, đồng thời yêu cầu bà cô hồn xuất trình Giấy ủy quyền nếu như được cô bé ủy quyền tham dự cuộc đàm phán. Tất nhiên là không có, với luận điệu: “Tôi là cô ruột nó, tôi thay mặt bố mẹ nó để nói chuyện”. Ơ hay cái mụ cô hồn này, con bé đã hai mươi tuổi rồi, phải đâu là vị thành niên mà cần có người giám hộ. Muốn thay mặt thì có Giấy ủy quyền, không thì ngồi sang một bên đó mà nghe ông bạn tôi phân tích về cấu trúc nguyên vẹn chưa rách rời, chưa chắp vá của cái nghìn vàng. Bà cô hồn nhảy chồm chồm lên, bắt con cháu về nhà lấy thẻ Đảng viên và thẻ bác sĩ mang đến, để chứng minh mình là người đoàng hoàng, không phải là dạng vớ vỉn lìu tìu phải bám vào cái ngàn vàng của con cháu mà kiếm tiền, như lời ông bạn đồng nghiệp của tôi vừa thủng thẳng buông ra. Mặc dù tôi đã giải thích rất rõ là tôi không họp chi bộ ở đây, cũng như tư cách tham gia của bà ta trong cuộc họp này là không hợp lệ, bà cô hồn vẫn cứ nhảy dựng lên bắt con cháu đạp xe về lấy. Con bé phụng phịu đứng dậy, không hài lòng, nhưng vẫn phải ra về, để lại bà cô đáng kính ngồi đó, mặc cho ông bạn tôi xâu xé bằng những lời lẽ rất chi là… tửng từng tưng. Tôi ngồi trao đổi với thân chủ, thỉnh thoảng phải lấy tay che miệng để không bật ra tiếng cười, khi bất đắc dĩ phải xem màn hài kịch mà hai diễn viên đang hăng máu như hai dũng sĩ thời La mã cổ đại, dù không khiên giáp, không voi ngựa, vẫn đang gầm gừ chực lao vào ăn tươi nuốt sống nhau.
Khi cô bé quay lại, tôi bắt đầu làm việc một cách nghiêm túc, cố nhịn không cười khi nhìn thấy dũng sĩ cô hồn đang xuống sức sau một hồi khẩu chiến với những lời khiêu chiến mà ông bạn tôi thỉnh thoảng lại nhả ra một phát, để cho đối phương nhảy chồm chồm lên. Tôi hỏi cô bé là sau khi siêu âm, có thấy ra máu không? Không. Tôi lại hỏi về đến nhà có thấy ra máu không? Ngập ngừng nhìn bà cô hồn. Lập tức anh bạn tôi lại nhả ra một câu vàng ngọc, và ngay lập tức, với bản tính hiếu chiến của một dũng sĩ đấu bò tót, bà cô lại lao vào cuộc khẩu chiến, để mặc cô bé cho tôi chăm sóc. Và câu trả lời dù ngập ngừng, nhưng đủ ý, không. Khi tôi đề nghị đưa cô bé đi giám định xem vết rách ở màng trinh có từ lâu hay mới có, do vật sắc nhọn hay do vật khác tác động vào, thì cô bé bắt đầu ngần ngừ, giọng nói chậm lại. Tôi đã phân tích cho cô bé rõ việc giám định sẽ rất có lợi cho cô bé, nếu như sự thực đúng như lời cô bé nói, và số tiền bồi thường sẽ có thể lên đến hàng trăm triệu, chứ không chỉ là năm mươi triệu như cô bé phát giá ban đầu. Giằng co mãi, cô bé nhất định không chịu đi khám thương để giám định. Tôi nói rõ là nếu cô bé không đi khám thương thì sẽ không chứng minh được thiệt hại của mình, như thế Tòa án không có căn cứ để xác định mức bồi thường cho cô bé. Nghe xong, đăm chiêu suy nghĩ một hồi rồi vác máy điện thoại ra ngoài cửa alo cho mẹ. Lúc sau, cô bé quay vào, xin được nói chuyện riêng với tôi và thân chủ của tôi. “Thôi thì sự việc dẫu sao cũng đã xảy ra rồi, dù không ai muốn, người chịu thiệt thòi vẫn là em, giờ có bỏ tiền tỷ ra cũng không thể nào lấy lại được (ôi chao, lại tiền tỷ, tôi chưa bao giờ có tiền tỷ nên thực sự cũng không hiểu nó lắm, nhưng tôi đồ rằng tiền tỷ là rất nhiều, keke). Nhưng thôi, em biết chị cũng không cố ý, do vậy em không muốn làm chị khó xử. Vậy giá cuối cùng nhé, là hai mươi triệu”. Ặc, các bạn thử nghĩ xem, cái miệng trẻ thơ kia nói ra câu: cái giá cuối cùng, nghe sao mà ráo hoảnh đến không ngờ. Tôi không đồng ý, yêu cầu cô bé đi khám thương để xác định rõ thiệt hại. Bà cô bận khẩu chiến, nhưng thỉnh thoảng cũng vẫn quay lại góp vào câu chuyện của chúng tôi bài ca về người trinh nữ, rồi lại quay lại lao vào anh bạn tôi, như thể anh ấy đang mặc áo choảng màu đỏ nhảy nhót giữa đấu trường La mã cổ đại.
Thấy tôi cương quyết, cô bé lại cầm máy điện thoại ra ngoài alo, một lúc sau thấy quay lại đưa điện thoại cho thân chủ tôi, nói mẹ em muốn gặp. Lại một hồi trao đổi. Cuối cùng thân chủ tôi trao đổi với tôi, là thôi, giải quyết luôn cho dứt điểm em ạ. Là người có học thức, lại là một phụ nữ hiền lành, dịu dàng, chị không chịu nổi cái áp lực mà hai cô cháu nhà này mang đến. Chị muốn vụ việc kết thúc sớm, để tìm lại sự thanh thản, vì theo chị, việc không tuân thủ nguyên tắc nghề nghiệp là một sai lầm và khi buộc phải trả giá thì chị sẽ chấp nhận.
Cuối cùng, cái giá cuối cùng là mười lăm triệu đồng. Mười lăm triệu đồng để mua một bài học cho thân chủ tôi. Mười lăm triệu đồng để hai tâm hồn bệnh hoạn kia hả hê ra về. Mười lăm triệu đồng để tâm hồn tôi đau hơn về thế thái nhân tình. Tôi không muốn có một cái kết như vậy, vì qua tiếp xúc, tôi biết không bao giờ cô cháu nhà này dám đi khám thương để giám định vết rách theo yêu cầu của tôi. Hơn nữa, thân chủ tôi đã khẳng định rất chắc chắn là khi đưa đầu dò vào siêu âm thì hầu như không gặp bất cứ trở ngại nào cả, khi rút đầu dò ra không thấy máu dính nơi đầu dò, yếu tố sẽ có nếu như màng trinh vẫn còn. Khi nghe trình bày, tôi đã nghi ngờ rằng khi thấy thân chủ tôi sơ suất trong việc không hỏi về tình trạng hôn nhân của bệnh nhân trước khi tiến hành thủ thuật siêu ấm đàu dò, cô bé này đã cố tình dựng chuyện lên, nhằm chiếm đoạt tiền của thân chủ tôi, cũng như có một căn cứ vững chắc để giải thích cho nhân vật nào đó về việc ngàn vàng không cánh mà bay từ thủa nào. Đến khi trao đổi qua điện thoại, nghe cái giọng ráo hoảnh, lạnh lùng và vô cảm kia, tôi càng khẳng định mình đã cảm nhận đúng về sự việc. Và khi gặp mặt, thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Những lời khích tướng, thậm chí là xúc phạm một cách gay gắt và cố ý của anh bạn tôi, nhằm kiểm tra nội tình, cũng không làm cô bé nao núng, xấu hổ. Cô bé vẫn trả lời rành rọt từng câu, từng chữ. Một cô bé mới hai mươi tuổi, tại sao có thể vô cảm đến thế, nếu như mới bị mất cái giá nghìn vàng, tại sao có thể ráo hoảnh đến thế, khi nói đến chuyện tiền nong bồi thường. Câu trước là tiền, câu sau cũng vẫn là tiền. Từ năm mươi triệu, hạ giá dần dần xuống, với cái câu cuối cùng mà mãi mãi chắc tôi không thể nào quên: “thôi, giá cuối cùng là…”. Tại sao cô bé lại có thể đưa ra một con số lạnh lùng, rồi dần dần tự hạ thấp các con số xuống, chỉ với lý do là Bồi thường thiệt hại? Nếu như cô bé có một trái tim, một tâm hồn, thì tại sao lại có cái thể loại tâm hồn quái thai, dị dạng giữa lúc tuổi đời đang ở độ đẹp nhất: hai mươi. Ngày xưa các cụ gọi là ngàn vàng, ngày nay cô bé định lượng là tiền tỷ, chỉ trong phút chốc, được cô bé định giá lại là mười lăm triệu đồng.
Tôi đã cố nhìn thật vào thẳm sâu tâm hồn cô bé, qua đôi mắt một mí nằm khiêm tốn một góc nhỏ trên khuôn mặt nhung nhúc là thịt kia, nhưng tôi chịu, không thể tìm thấy chút đốm sáng nào cả. Điều gì đã khiến cho một thiếu nữ mới lớn dám đem cả sự trinh tiết của mình ra để đổi lấy mười lăm triệu, cùng sự sỉ nhục mà nếu như cô bé có một chút lòng tự trọng, đã phải khóc rất nhiều, hoặc đã phải cúi mặt từ lâu, chưa kể là đã phải ửng hồng đôi má vì xấu hổ. Tôi đã cố nghĩ mãi, nhưng không thể hiểu được. Phải chăng ma lực của đồng tiền lớn đến mức cô ta sẵn sàng chấp nhận tất cả? Ấn tượng mà cô bé gieo lại trong tôi, một ấn tượng mà chắc tôi không bao giờ quên được, đó là sự vô sỉ im đậm, rõ nét trên khuôn mặt vô cảm và ánh mắt giảo hoạt cứ lấm lét đảo đi đảo lại trong cả buổi đàm phán về cái giá ngàn vàng của cô ta. Và tôi chắc chắn một điều, khuôn mặt ấy không bao giờ có vẻ đẹp rạng ngời của một thiếu nữ có tâm hồn mộng mơ, trong sáng tuổi hai mươi.
Còn gì đau xót hơn không? Sự dị tật trong tâm hồn thực dụng, sẽ kéo theo sự quái thai về nhân cách, đau xót thay, điều đó lại xảy ra ở một cô gái trẻ mới hai mươi tuổi, một cô gái sẽ làm mẹ, làm bà, của những đứa trẻ, trong nay mai.
Ôi cái cuộc đời này.
Biết làm gì hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét