Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Hướng tới trẻ em vùng cao


Bạn đã bao giờ thấy lòng mình trĩu nặng khi nhìn vào màn sương mù dày đặc bao phủ cả núi rừng? Bạn đã bao giờ thấy lòng mình giá buốt theo tiếng tiếng mưa rơi buồn bã bên những hiên nhà sàn xiêu vẹo, rách nát? Bạn đã bao giờ thấy lòng mình xót xa khi đi trên những con đường lầy lội dẫn vào bản nhỏ? Bạn đã bao giờ thấy trái tim mình nhói đau khi nhìn thấy những em bé co ro trong những manh áo sơ mi mỏng manh, cái quần cũ rách nát đứng ngẩn ngơ trong gió lạnh mùa đông? 


Tôi đã đến, và tôi đã thấy, những mái nhà sàn liêu xiêu, trống huơ trống hoác, những mái nhà không thể che nổi mưa nắng, những cụ già lưng còng, khẳng khiu như que củi khô, những em bé bên đường mặc quần không mặc áo, mặc áo không mặc quần, những ngón chân trần tím tái bấm chặt xuống nền đất đồi lầy lội, những khuôn mặt lấm lem bùn đất... duy chỉ có đôi mắt các em là vẫn to tròn, ngơ ngác, sợ sệt rồi  hân hoan, mừng rỡ khi được cho kẹo... Những bản nhỏ chỉ cách thị trấn Than Uyên của tỉnh Lai Châu có hơn 10 cây số, mà sao cuộc sống lại khác biệt đến vậy?



Tôi không phải là người sinh ra nơi phố thị, lần đầu tiên bước chân khỏi quê nhà để vào trường Đại học, tôi cũng sợ hãi, cũng tự ti, cũng bối rối vô cùng. Nhưng tại mảnh đất này khi nhìn xuống bản nhỏ, lòng tôi vẫn chùng xuống và không khỏi xót xa cho những người dân nghèo nơi đây. Trong tôi nhói lên một cảm xúc kỳ lạ, khó tả bằng lời. Tôi chợt tự hỏi: Tại sao người dân nơi đây vẫn không đủ cơm để ăn, không đủ áo ấm để mặc, trẻ con không đến trường khi đến tuổi cắp sách.... phải chăng nhà nước không quan tâm đến họ hay bởi họ muốn sống như bao đời nay vẫn thế.... Cả ngàn câu hỏi cứ quẩn quanh, thôi thúc trong tôi.






Câu trả lời đến còn khiến tôi nhức nhối hơn khi tôi đi tìm nó. Người dân nơi đây nghèo khó, thiếu thốn bởi nhận thức ấu trĩ, bởi thói chây ỳ, ỷ lại nhà nước, bởi tập quán sinh  sống, thói quen nuôi trồng tự nhiên, bởi trình độ dân trí ở mức thấp nhất... Vậy nếu mình có thể giúp cho họ một manh áo ấm, dăm ba cái kẹo, vài gói mỳ tôm, liệu ngày mai, ngày kia họ có hết đói không?

Tôi tự hỏi tại sao tôi và các bạn - chúng ta không sát cánh bên họ, ăn cùng họ một bữa cơm ngô, uống với họ cốc nước gùi dưới suối, ngủ với họ một đêm trên tấm đệm bằng bông lau tự làm, cùng họ trèo lên núi, ngồi trong lán mà ngắm đất đồi trơ sỏi trắng xoá, thử hứng cái gió, cái rét cắt da cắt thịt da, cảm nhận cái buốt lạnh, tím tái từ đôi bàn chân trần đi đất... để hiểu họ đang nghĩ gì, mong muốn gì... Sao không nắm chặt tay họ, dắt họ đi từng bước, chỉ họ từng điều hay, dạy họ cách nuôi trồng... đưa đến họ với những điều tươi sáng cho ngày mai.... 




Và tôi muốn, tôi muốn nhiều lắm. Tôi muốn các em thơ có cặp sách mới, tập vở mới, náo nức đến trường trong bộ cánh thơm tho, sạch sẽ, chân đi giầy vải ấm áp, khuôn mặt trắng hồng, mắt ánh niềm tươi vui. Tôi muốn các cụ già được mặc manh áo ấm, ngồi bên bếp lửa kín gió mà móm mém nhai trầu... Tôi muốn những thanh niên của núi rừng mộc mạc ấy biết cách trồng cây lúa, nuôi con dê, con lợn một cách khoa học, để học có thể có được nguồn thu nhập ổn định và cải thiện được đời sống của chính mình. Và tôi mơ, mơ về một ngày mai tươi sáng sẽ đến với bản làng. 







Tôi, các bạn - chúng ta không thể làm ngơ với những số phận đói ăn, thiếu thốn quanh năm, chúng ta hãy cùng nhau hành động ngay hôm nay, ngày mai và mãi mãi vì cộng đồng, vì cả chính tương lai của mỗi chúng ta nữa.




 Xin gửi đến các bạn một thông điệp, dù không mới nhưng tôi nghĩ nó luôn cần trong hành trang vốn sống của mỗi chúng ta: Sống trên đời cần có một tấm lòng!

5 nhận xét:

  1. Người dân nơi đây nghèo khó, thiếu thốn bởi nhận thức ấu trĩ, bởi thói chây ỳ, ỷ lại nhà nước, bởi tập quán sinh sống, thói quen nuôi trồng tự nhiên, bởi trình độ dân trí ở mức thấp nhất...
    --------
    Nếu bạn cho là vậy thì bạn nhầm to, rất to rồi.
    Họ có văn hoá, có triết lý sống của họ và điều đó mang lại hạnh phúc cho họ, tất nhiên là không giống cái hạnh phúc của bạn. Bạn muốn giúp họ về vật chất - tốt thôi nhưng đừng nghĩ như trên

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng ý với Nguyen, mong bạn thông cảm vì mỗi người có một nhận thức riêng của mình.
      Hy vọng cô gái chủ Blog - Tác giả bài viết này nhận thức lại một chút và viết lại một chút những suy nghĩ trên!
      Cám ơn tất cả!

      Xóa
  2. Người dân nơi đây nghèo khó thì quá ok rồi. Thiếu thốn bởi nhận thức ấu trĩ - cái này không phải đâu, họ sống theo tập quán và không có sự giúp đỡ tận tình và triệt để của khoa học hiện đâị thô. Bởi thói chây ỳ, ỷ lại nhà nước - NN cho họ được dăm ba gói mỳ tôm, mấy cân gạo? NN xây trường học to hơn hay trụ sở UBND xã to hơn? NN làm đường - điện năng - trạm y tế như thaae nào cho họ? Và nhiều câu hỏi lắm ... Bởi tập quán sinh sống, thói quen nuôi trồng tự nhiên, điều này tương đối đúng. Xưa kia rừng nguyên sinh chẳng máy móc nào tàn phá, chẳng con buôn đại gia nào mua gỗ lậu - họ sống dựa vào nguồn sản vật tương đối đủ. Giờ đây, người Trung Quốc nào là mua động vật quý hiếm, nào là mua gỗ tốt giá cao, nào là đưa rượu hóa chất đến vv và vv thì NN ở đâu? NN sao không đưa họ con gì - cây gì như 1 vị lãnh đạo NN VN thưởng hỏi mà chỉ có giống mà của Trung Quốc. Và VV. Bởi trình độ dân trí ở mức thấp nhất, đừng nói vậy, xóa nạn mù chữ từ khi Hồ CT còn sống đến giờ, vậy bạn lên đó có mấy người nói được tiếng Việt Nam? Rồi giáo viên bán bản bán trường ngày nay có bao nhiêu, lương xá của họ ra sao? Trường sở ra sao? Đời sống vật chất trường lớp như thế nào?
    Thôi tạm vậy kẻo lại phát điên vì những câu hỏi đặt ra.

    Trả lờiXóa
  3. Mỗi người có một cảm nhận khi tiếp cận với một vấn đề. Tôi là người đã trực tiếp lên xây dựng lán dê, chuồng lợn, mua lợn, mua dê về để bà con chăn nuôi. Tôi đã phải đi lại từ Hà Nội - Than Uyên, mỗi tháng 1 lần, để làm cái công việc có thể được gọi nôm na là Giám sát. Và kết quả là gì? Thật đáng buồn.
    Thế nên các bạn cũng đừng nói là tôi nên thế này hay tôi nên thế kia. Tôi ko tiếc số tiền các bạn và tôi đã góp vào để giúp họ xây chuồng và chăn nuôi. Tôi cũng ko tiếc công sức tôi đã bỏ ra trong suốt 2 năm trời cho 1 dự án nho nhỏ. Đã làm là phải biết chấp nhận tình huống xấu nhất. Điều tôi tiếc chính là cơ hội thay đổi cuộc sống mà họ đã đánh mất. Thực sự tiếc nuối cho họ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. <3 bạn, tập quán không thể thay đổi một sớm chiều, họ sống dựa vào tài nguyên, àn nhàn và hài hòa với thiên nhiên bao đời nay rồi, họ cảm thấy ổn hơn mình nghĩ về họ, nhưng sớm muộn gì thì cuộc sống hiện đại cũng len lỏi vào, cả tốt cả xấu, tôi cũng có một vùng quê na ná như thế, nhưng bây giờ, mọi người đã biết đi làm thuê mướn kiếm tiền lúc nông nhàn, trẻ con chịu khó học hành và coi học hành là bắt buộc, không còn dong chơi như trước nữa, ruộng đồng cũng bắt đầu có máy móc, chăn nuôi cũng quy mô hơn, người ta cũng học được cả buôn gian bán lận, dối trá lừa lọc dù chưa tinh vi cho lắm, còn ngây ngô vẫn giữa phần nào chân chất, nói chung là theo thời gian, mọi cái nó cũng tự vận động thay đổi và thích nghi, có những tầm lòng, những tâm huyết, những con người như bạn, họ ít nhiều cũng nhận thức ra một chút vấn đề, nhưng những thay đổi lớn thì phải dựa vào nững thế hệ trẻ hơn, cái mới mí đi vào cuộc sống một cách tự nhiên như thể con người vốn tò mò và thử nếm, rất tự nhiên, chậm mà chắc

      Xóa