Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Nhật ký chuyến đi khảo sát Nà É - Lai Châu ngày 19/03/2010

Hà Nội, một ngày có gió và mưa nhẹ rơi.
Đã hai ngày rồi, hôm nay tôi mới có thể ngồi viết những dòng chữ này gửi đến tất cả những người bạn mến thương của diễn đàn Làm cha mẹ, dù từ hôm qua đến giờ tôi ngồi trước máy rất nhiều. Chuyến đi Lai Châu lần này đã để lại cho tôi biết bao kỷ niệm, sự lưu luyến và bâng khuâng, khiến cho tôi không biết mình nên phải bắt đầu từ đâu.
Có lẽ ấn tượng đầu tiên của tôi là sự bất ngờ và xúc động khi Đoàn khảo sát Lai Châu lần 2 được gia đình anh King, mẹ con em Rùa và chị Meyeuconnhatday quan tâm xuống tận bến xe tiễn chân. Và từ cả những lời hỏi thăm, động viên của nhiều bạn bè qua tin nhắn SMS, cũng như tin nhắn trên diễn đàn. Cảm xúc thật khó nói thành lời, nhưng thật sự là tất cả chúng tôi đều thấy ấm lòng vô cùng khi biết và thấy có rất nhiều người đã và đang quan tâm tới hành trình của chúng tôi, quan tâm tới những việc chúng tôi đang làm. Bó hoa hồng của anh King tặng mấy chị em lúc tiễn chân đã theo chúng tôi lên đến Than Uyên và ở cùng chúng tôi suốt cả mấy ngày trong cuộc hành trình này. 
Chia tay tại bến xe Giáp Bát
Xe bắt đầu xuất phát lúc 19h 15p tối thứ 6 ngày 19/3, đến 5h sáng t7 thì lên đến thị trấn Than Uyên của Lai Châu. Đoàn đi lần này có 4 người ở Hà Nội lên (gồm Mebutbong, Chipheo, Binbinvahinhin, Phanhuyennhi) và 2 người ở thị xã Lai Châu xuống (là MeDat, NguyenTruơng). Lên đến nơi Đoàn lại ngủ tiếp luôn ở Nhà khách UBND huyện, đến 7h hơn mới dậy. Buổi sáng hôm ấy sau khi liên hệ và làm việc với mấy đồng chí trong UBND huyện, Đoàn bắt đầu xuống xã Mường Kim, một xã miền núi đông dân với dân số chủ yếu thuộc dân tộc Thái, có diện tích tương đối rộng, cách thị trấn hơn 10km. Người dẫn đường cho chúng tôi chính là anh Vinh, bí thư Đoàn thanh niên xã Mường Kim. Cũng may là đã được các anh ở huyện báo trước nên đến nơi Đoàn đã gặp và làm việc luôn với chú Phó Bí thư Đảng ủy xã và anh Phó Chủ tịch xã. Các đồng chí trong UBND xã rất xúc động trước sự quan tâm của Quỹ từ thiện Làm cha mẹ đối với cuộc sống còn nghèo khó của những người dân nơi đây và rất nhiệt tình khi được Đoàn yêu cầu giúp đỡ. Chúng tôi thống nhất điểm đến của Đoàn khảo sát sẽ là bản Nà É 1 cách UBND xã Mường Kim 5 km với tổng số hộ dân là 62 hộ, trong đó số hộ nghèo là 31 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50%, cao nhất xã. 
Núi rừng bao la đôi lúc lại ẩn hiện những mái nhà lúp xúp, cô liêu
Rời UBND xã lúc hơn 1h chiều, Đoàn đi sang khu vực gần nhà máy thủy điện Bản Chát cách đó 4 cây số để tìm quán ăn trưa. Bình thường thì ở đây không có chợ và cũng không có quán xá đâu. Muốn đi chợ mua bán vật dụng, thức ăn hay đi ăn hàng quán thì đều phải lội ngược về thị trấn mới có, kể cả những xã cách xa thị trấn mấy chục cây số như xã Tà Hừa mà Đoàn đã đến trong đợt đi khảo sát đầu tiên. Thế nhưng hiện nay tại khu vực xã Mường Kim có công trình nhà máy thủy điện đang thi công, nhiều công nhân và kỹ sư từ nơi khác đến ở và làm việc nên khu vực gần nhà máy mới có quán hàng ăn chứ các nơi khác không có. Mà quán xá cũng đơn sơ lắm, các bạn cứ thử tưởng tượng quán ăn trong phim cổ trang như thế nào thì ở đây cũng như thế. Đơn sơ, buồn lặng nhưng lãng mạn, hệt như những vùng đất, những ngọn đồi, những mái nhà sàn nhấp nhô nơi đây. 




Từ quán phóng xa tầm mắt một chút, bạn sẽ bắt gặp một con suối lớn với những viên đá cuội to nhỏ mấp mô dưới làn nước, như một bức tranh mờ nhạt với những nét chấm phá trầm lặng, không sắc màu rõ rệt.
Dòng suối mơ mộng lúc cạn nước, trơ trơ những viên sỏi hiền hòa 
như những số phận mờ mờ, nhạt nhạt nơi đây
Ăn trưa xong là hơn 2h, Đoàn bắt đầu đi vào bản Nà É 1. Đường đi thì khỏi phải tả. Lần trước đi Nà Huầy, Huyền Nhi tôi tự cầm lái thì hầu như đoạn từ UBND vào bản là tôi toàn xuống dắt xe máy đi bộ, nhưng lần này có em Chí nên cứ đoạn nào dốc thẳng đứng là tôi lại xuống đi bộ chứ không phải dắt xe nữa. Về sau em Chí không cho tôi xuống xe khiến tôi ngồi sau mà mặt tái mét, mắt nhắm tịt lại. Thế mới biết cảm giác mạnh không phải là món dễ xơi đối với một số người.
Đường từ UBND xã Mường Kim vào bản Nà É 1
Đường vào bản ngoằn nghèo, có đoạn dốc thẳng làm tôi cứ phân vân (hệt như lần trước) là tại sao những người dân nơi đây không thể cải tạo con đường mà hàng ngày luôn có biết bao dấu chân đã hằn in cho thẳng hơn, cho đỡ nhấp nhô hơn, cho đỡ chật hẹp hơn, mà đi? Đoàn vào nhà Trưởng bản làm việc 30 phút, sau đó chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm có 1 người bản xứ đi cùng đến từng nhà hộ dân khảo sát. Có thể nói, cảm nhận về sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng cao và đồng bằng, giữa giàu và nghèo thể hiện rõ nhất ở nơi đây. Đến và gặp gỡ những con người này mới cảm nhận hết được cái khổ, cái nghèo, cái lạc hậu, cái xa cách của họ với nền văn minh hiện đại mà chúng ta đang hàng ngày hưởng thụ. Đối với tất cả chúng ta, dùng điện thắp sáng, xem tivi, tắm nóng lạnh là điều đương nhiên, đi xe máy, ôtô không phải là điều xa xỉ. Còn họ, những con người chất phác với đôi bàn tay đen sạm và những gót chân nứt nẻ, cái đương nhiên trong cuộc sống của họ là những bữa cơm độn sắn, độn khoai mà không có lấy 1 ngày được ăn cơm trắng. Là những đứa trẻ cởi truồng, mặc 1 manh áo mỏng, lội dưới suối bắt cá giữa những ngày đông giá lạnh. Là những thanh niên đã rời ghế nhà trường khi chỉ mới 9, 10 tuổi, (thậm chí có người còn chưa đi học), rụt rè và hiền lành, đơn giản và tội nghiệp như núi rừng hoang sơ của họ. Là những ông già, bà già sống 1 mình trong những cái lán trống hoác, giữa những núi và rừng trùng điệp để trông đàn gia súc cho các con cái, anh em của mình. Là sự cô đơn vây bủa trùng điệp giữa núi rừng bao la, khi mà nhà này cách nhà kia theo đơn vị tính của những con dao quăng.

Trên đường về thị trấn
Sáng 21/3 Đoàn tiếp tục làm việc tại UB với sự có mặt của Bí thư, phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, phó Chủ tịch, Chủ tịch MTTQ, Bí thư Đoàn TN xã Mường Kim và Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nà É 1. Các đồng chí rất ủng hộ việc làm ý nghĩa của chúng ta và đã cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp cho Dự án thành công. Có được lời hứa là may lắm rồi, dù rằng chúng tôi đang mang đến cho những người dân nơi đây những đóp góp nhỏ bé của một bộ phận dân cư trên diễn đàn Làm cha mẹ. Khảo sát xong quay về huyện là gần 19h, đêm hôm đó cả Đoàn đều ngủ muộn, nhất là NguyenTruong, MeDat và Chipheo vì ba người phải làm báo cáo để sáng mai còn vào làm việc với UBND xã Mường Kim.
Trụ sở UBND xã Mường Kim
Sau cuộc họp, tôi và em Chí cùng anh Phó Chủ tịch xã, Bí thư chi bộ Nà É 1 đi lên đỉnh núi khảo sát một số chuồng nuôi trâu, nuôi dê và cách chăn nuôi của họ như thế nào, còn Mebutbong và Binbinvahinhin thì về bản tập hợp bà con đến họp, MeDat và NguyenTruong thì vội vã đi xe ôm trở về thị trấn để kịp đón chuyến xe cuối cùng trong ngày về thị xã Lai Châu cho đúng giờ làm việc ngày mai.
Lán ở để nuôi dê trên đỉnh núi cao
Đứng trên đỉnh núi, giữa những hư không, cảm giác mình nhỏ bé vô cùng. Vậy mà mỗi ngọn núi chỉ có 1 hộ gia đình dựng 1 cái lán đơn sơ để ở và trông đàn gia súc. Nhìn mà thấy thương họ quá. Cái lán thì bé nhỏ, dựng lên bằng những tấm liếp xiêu vẹo và những cọc gỗ cong queo. Dưới gầm nhà sàn là chuồng nuôi lợn, hôi hám, bẩn thỉu. Trong nhà sàn có 1 góc để ngủ chất đầy những chăn gối tự làm màu đen đen, cũ cũ, và ... mùi mùi, chẳng thể dám khẳng định là đã giặt từ mùa xuân năm nào. Gió và mưa bất cứ lúc nào cũng có thể làm họ lạnh, rét, đói khổ và cũng có thể loại bỏ họ bất cứ lúc nào. Tại sao họ không thay đổi cách nghĩ nhỉ, tại sao cứ nhất thiết phải kéo lên đỉnh núi, dựng lán ở với đàn gia súc để mà thách đố với sự đỏng đảnh của ông Trời? Núi cao, rừng bao la, con người thì nhỏ bé, như 1 dấu chấm nhỏ nhoi và đơn độc giữa ngút ngàn không trung. Tôi không hiểu vì tôi không sinh ra và lớn lên ở đó, hay vì tôi đã từng vô cảm với sự khốn khổ của họ từ bao lâu nay?
Quả thật là tôi đã không thể nào hiểu nổi.
Tôi bị dùng vũ lực lôi xuống núi
Kết quả là bị ngã, lại quá sợ, nên ngồi khóc tu tu 
Tôi cũng không hiểu là tôi đã lên trên đỉnh núi bằng cách nào và xuống được dưới mặt đất bằng cách nào. Tôi nhớ là ngọn núi cao sừng sững còn lối đi thì trơn tuột và dốc thẳng. Lúc lên tôi cũng quyết tâm lắm, thế mà có đi được mấy đâu, toàn phải bò đấy chứ, nhưng dù sao cũng còn bò được, đoạn nào dễ thì dựa vào em Chí mà đi. Khổ nhất là lúc xuống, đi thì không dám đi rồi, bò cũng không dám bò vì nếu bò thì cứ có cảm giác mình đang cắm đầu xuống dưới chân núi ấy. Tôi là kẻ vốn rất sợ độ cao mà. Cuối cùng mọi người phải kéo tôi xuống, nhưng tôi vẫn sợ không dám đi. Sốt ruột vì trời đã về chiều, em Chí nhất quyết kéo tôi đi, làm tôi sợ quá khóc ầm cả lên. Và tôi nhớ là em Chí đã phát cáu lên rồi lôi tôi đi xềnh xệch, còn tôi cứ trì chân lại không chịu đi vì sợ hãi. Có đoạn dốc thẳng, em Chí lại kéo mạnh quá làm tôi bị ngã xước cả tay, may người ko sao. Về bực mình quá, tôi cứ cằn nhằn mãi, nhưng thâm tâm vẫn phải thừa nhận đúng là không dùng vũ lực thì chắc gì tôi đã xuống được núi.
Họp các hộ dân ở nhà anh Hoàng Văn Hòa, trưởng bản Nà É 1.



Xuống núi xong lại đi vào bản họp bà con, nhìn những gương mặt chất phác, hiền lành đang ánh lên những tia hy vọng, lòng tôi cứ chùng xuống và tự hỏi: không biết rồi chuyến đi này của chúng tôi có góp phần nhỏ bé nào vào việc giúp đỡ họ thay đổi phần nào cuộc sống nghèo khổ, lạc hậu này không? Trên đường về thị trấn, Đoàn có ghé vào HTX thổ cẩm xem có gì hay hay thì mua về cho Shop từ thiện bán nhưng cũng không mua được gì. Về đến huyện đã 19h, mấy chị em vội vàng tắm rửa, sắp xếp đồ đạc rồi đi ăn, rồi lại vội vàng gọi điện cám ơn những người trên đó đã giúp đỡ Đoàn. 
Sau bữa ăn tối tại thị trấn
Xe đến lúc 20h 30, cả mấy chị em lên xe một lúc là ngủ luôn. Cả ngày đi nhiều nên cũng mệt mà. 5h 30 sáng 21/3 chúng tôi về đến Hà Nội, gửi lại Than Uyên những hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn và mang về Hà Nội những trăn trở về những ánh mắt đau đáu hy vọng của những con người đáng mến, đáng thương vùng xa xôi ấy.

1 nhận xét:

  1. nhớ Nà É quá . nhìn ảnh thôi mà bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về . Mong một ngày quay lại sớm nhất .
    Nhắc lại câu thơ ko nhớ là của ai . Nhưng chị Nhi đã post một lần :
    Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

    Trả lờiXóa