Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Báo cáo chuyến đi khảo sát Tà Hừa - Lai Châu ngày 23/01/2010

Một ngày giáp tết 2009.
Ba chị em gái chúng tôi – phanhuyennhi, meyeuconnhatday và mebutbong – những thành viên nhiệt huyết của Quỹ từ thiện Làm cha mẹ thuộc diễn đàn Lamchame.com, bắt đầu hành trình chinh phục thử thách của lòng nhân ái và sự kiên nhẫn. Hành tranh của chúng tôi là cái balo xinh xinh, một địa chỉ xa lạ với những cái tên đọc mãi mới thuộc: Tà Hừa – Than Uyên – Lai Châu, và ba tấm lòng nhiệt huyết vô bờ bến của những kẻ chưa một lần đi về nơi xa xôi đến thế.
18h ngày 23/01/2011, tiễn chúng tôi là chị Hà – Thóc’mum và Bình – Binbinvahinhin, với những nụ lấp lánh trên môi. Lòng tôi run run khi bắt đầu trèo lên xe, với biết bao nhiêu là câu hỏi: liệu mình có thể lên đến nơi an toàn không? Liệu mình có làm được điều mà mọi người đã tín nhiệm giao phó? Và liệu mình có trở về được nhà an toàn hay không?
Trên xe, ba chị em đều háo hức đến mức không ngủ được chút nào, kể từ khi xe bắt đầu chuyển bánh, cho đến khi xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ bé nằm trên những ngọn đồi có tên gọi rất xa xôi: Than Uyên, lúc 4h 15 phút ngày 24/01/2010. Tất cả những khúc cua cong cong với một bên là vách núi dựng đứng, một bên vực sâu hun hút, hay những mái nhà sàn xiêu vẹo bên đường, rồi màn đêm dày đặc và tĩnh lặng đến mức tiếng còi xe cũng không thể xé thủng, đều khiến cho cả ba chị em ngơ ngác, háo hức như chưa bao giờ được ngơ ngác, được háo hức đến vậy.
Tranh thủ vào nhà khách của UBND huyện ngả lưng khoảng 2 tiếng, chúng tôi lại vội vàng dậy, ăn sáng và vòng quanh thị trấn nhỏ bé một vòng. Mấy chị em tranh nhau chụp ảnh, từ 1 cô em má hồng đang bẽn lẽn đứng bán mấy mớ rau, đến ông chú với gánh măng rừng, hay bà cô mặc váy Thái màu sắc rực rỡ, cười như mùa thu tỏa nắng bên sạp hàng xén bày biện biết bao là khăn, là áo. Đến khi em Lý – MeDat điện thoại nhắc nhở chúng tôi đã đến giờ vào gặp chính quyền địa phương, chúng tôi mới nuối tiếc dứt khỏi khu chợ với bao hình ảnh lạ lẫm và ấn tượng.
Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Tự Trọng, phó Bí thư huyện đoàn Than Uyên, một người đàn ông đẹp trai và lịch sự, ân cần và chu đáo, như một bông hoa giữa núi rừng. Hình ảnh so sánh này hơi khập khiễng, nhưng quả là càng về sau tôi càng thấy đúng, bởi anh Trọng khác hẳn những người mà chúng tôi tiếp xúc trên mảnh đất này. Anh rất lịch sự, ăn vận sạch sẽ, đúng dáng cán bộ nhà nước, không à uôm như mấy thanh niên của phố núi, nhưng tác phong lại ân cần cởi mở, không điệu bộ, cửa quyền, hách dịch như các quan bác khác. Sau khi giới thiệu chương trình, chúng tôi đã thông nhất sẽ đến Tà Hừa để khảo sát cho dự án của chúng tôi.
Dự án giúp bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa cái cần để câu cá được xuất phát từ ý tưởng của MeDat, thành viên của Quỹ từ thiện Làm cha mẹ, người hiện đang sống và làm việc tại thị xã Lai Châu, cách huyện Than Uyên hơn 100km với 4 tiếng đồng hồ ngồi xe ô tô; và được tiến hành khảo sát bởi bốn chị em chúng tôi: 2 người là kế toán và 1 người là luật sư, cả đời không nuôi nổi một con gà nhưng lại đang tiến hành khảo sát thực địa để nuôi hẳn một đàn dê và một đàn lợn. Duy nhất có MeDat biết về chăn nuôi bởi đang công tác tại phòng nông nghiệp tỉnh Lai Châu. Thành ra chúng tôi cũng hoàn toàn yên tâm về khía cạnh kỹ thuật.
Đúng 8h bốn chị em chúng tôi và ba cán bộ Đoàn thanh niên huyện Than Uyên bắt đầu lên đường vào Tà Hừa, một xã nghèo cách trung tâm Than Uyên gần 30km. Anh Trọng chở Mebutbong, MeDat chở Meyeuconnhatday, hai đồng chí cán bộ đoàn đi cùng nhau, còn tôi, tôi tự đi một mình, lý do là quá sợ những đoạn cua tay áo nên không dám ngồi sau xe ai hết. Lên đường, tôi thân trọng đi từ từ, sợ không làm chủ được tay lái khi mà đường cứ cua liên tục, liên tục. Nhưng chỉ một lúc sau, tôi phát hiện ra là tôi đang bị bỏ rơi so với tốc độ 40-50km/h của các thổ dân đang chạy cách xa tôi quá nhiều rồi. Núi một bên, vực một bên, tôi ở giữa với con đường vắng lặng, lâu lâu mới gặp một quả Min chạy ngược như nhắc tôi rằng nơi đây vẫn có người qua lại. Đến Cổng Trời, rút máy ra định gọi cho mọi người bảo đợi mình thì mới biết điện thoại mất sóng hoàn toàn khiến cho tôi toát hết mồ hôi, mặc dù trời đang rét căm căm. Bạn có biết cái cảm giác đột nhiên bị cách ly với thế giới nó đáng sợ như thế nào không? Một mình đi giữa vắng lặng, nhìn xung quanh chỉ thấy núi, cây và vực thẳm. Thi thoảng một đàn chim xao xác bay lên giữa những thân cây cao vút, khiến cho sự tĩnh mịch bị phá vỡ lại càng tĩnh mịch hơn. Tôi thủa bé học văn, lớn lên học luật, nên trí tưởng tượng có phần hơi xa và hơi tiêu cực, thành ra càng lúc càng hoảng hốt. Không còn cách nào khác, tôi sợ hãi siết tay ga, đánh võng nhiệt tình đến mức tôi còn ngạc nhiên rằng nếu đi trên đường phố Hà Nội tôi mà phát huy sở trường này, thì ngày xưa tôi đâu có phải bỏ việc vì suốt ngày đi muộn cơ chứ. Chạy khoảng 10km thì tôi đuổi kịp mọi người, răng vẫn run cầm cập dù mồ hôi túa ra như tắm. Sau chuyến đi này, tôi về treo chữ ký cũ của tôi lên một tuần, thay vào bằng chữ ký: “Ối giàng ơi, mình phục mình quá”. Keke.
Trụ sở UBND xã nằm ngay ven đường, lặng lẽ và cũ kỹ như núi rừng, xao động hơn một chút khi chúng tôi đến. Các đồng chí trong UB đều là người dân tộc Thái, rất vui tính và hay nói chuyện bằng thứ giọng lơ lớ, nghe cứ ngồ ngộ. Điều thú vị nhất là các đồng chí ấy ai cũng có một cái máy di động, tối nào cũng sạc pin, ban ngày thì đưa ra khoe nhau, muốn alo thì cứ lên xe phi ra ngoài Cổng Trời cách đó khoảng 20km mà alo, rồi lại mang về đút túi, khi cần đem ra khoe nhau, tối về lại đem ra sạc. Một vòng tròn xoay đều, ko hiểu sao tôi lại cứ hình dung ra như vậy.
Sau khi trao đổi với các đồng chí trong UB xã thì được biết Tà Hừa là xã chuẩn bị tái định cư, sẽ di dân đi nơi khác. Sau khi chia nhau ra đi khảo sát hơn 20 hộ nghèo của xã tại các bản Khì trên, Khì dưới, chúng tôi gặp lại nhau tại phòng họp của UB xã, và quyết định sẽ không chọn Tà Hừa là nơi thí điểm cho mô hình “Tạo cần câu cá”, bởi Tà Hừa sắp phải di dân lên núi cao hơn chỗ hiện nay, vì sau khi công trình thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, toàn bộ khu vực dân cư đang sinh sống nơi đây sẽ bị ngập trong lòng hồ. Vậy nên nếu đầu tư xây dựng chuồng trại và cấp phát con giống thì không hiệu quả, không phát huy được tính bền vững của dự án.
Do có chuẩn bị một ít thức ăn mua ngoài chợ thị trấn, chúng tôi nhờ một cán bộ thanh niên mang vào nhà đồng chí bí thư chi bộ nấu. Bữa cơm ngon và đầm ấm biết bao, khiến cho tôi lúc này đây vẫn nhớ như in từng hình ảnh, từng câu nói trong bữa ăn đó. Tôi vẫn nhớ những miếng cháy giòn tan, vàng óng nấu trong nồi gang trên bếp lửa đỏ rực nơi góc nhà sàn, nhớ bát canh rau cải xanh biếc hái từ cây rau cao hơn cả tôi, nhớ những ly rượu sắn lần đầu tiên trong đời tôi được uống và tôi vẫn nhớ không quên giọng hát cao vút nhưng đầm ấm của Vàng A Sử - Bí thư Đoàn thanh niên xã với bài Người Mèo ơn Đảng hát tặng chúng tôi.
Chia tay Tà Hừa, chúng tôi lại vội vàng quay ngược về Nà Huầy, một bản đã được tái định cư từ năm 2008 của xã Mường Kim, huyện Than Uyên, cách Tà Hừa khoảng hơn 40km. Tôi lại một mình rong ruổi một xe, nhưng do đã có kinh nghiệm nên tôi đi nhanh hơn và bám sát được phái đoàn thổ dân, thành ra đường về không còn hoang vắng và đáng sợ nữa. Đường lên Nà Huầy không hoang vắng như Tà Hừa, nhưng có thể nói là phải đi qua mấy lần mây phủ thì mới lên được đến nơi, khiến cho tôi lại vẫn bị xúc động mạnh. Đường lên cứ dốc cao đè dốc cao, nhưng tôi vẫn đi được, còn lúc quay về thì có những đoạn dài tôi phải xuống dắt bộ vì đường dốc quá, cứ có cảm giác là tôi đang chuẩn bị cắm đầu xuống đất. Bà con đi qua cứ chỉ trỏ vào tôi mà phát ra một tràng, chắc họ đang thương cảm cho rằng tôi phải dắt xe vì hết xăng.
Nà Huầy được di chuyển về từ một bản cũ cách đây khoảng 6km, đời sống bà con cũng đã tương đối ổn định, những mái nhà lúp xúp lợp mái tôn còn trắng mới ẩn mình sau những tầng mây, nhìn như một bức tranh sơn cước. Tuy nhiên bản mới chuyển về nên vẫn chưa được nhận đất nương, đất ruộng do chính quyền chưa đàm phán được với những hộ dân cũ để thu hồi bớt một phần đất ruộng nương để chia cho các hộ mới đến, do vậy mà các hộ dân của Nà Huầy đều chưa có ruộng nương, đi làm phải đi bộ 6km để về bản cũ phía bên kia quả núi để làm nương, để chăn nuôi. Nguồn nước sinh hoạt của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp từ nhà máy thủy điện bé bé, xinh xinh của huyện hoặc từ ông Trời. Tuy nhiên sau một thời gian tái định cư, nguồn nước sinh hoạt ngày càng bị thiếu trầm trọng với một nguyên nhân rất đơn giản: sự phá hoại ngây thơ của con người. Hôm nay anh cán bộ xã nhắc nhở tao về những vi phạm bé như con kiến mà tao vô tình mắc phải ấy hả, tối tao sẽ vác dao quắm ra chặt đứt luôn đường ống dẫn nước, cho bõ ghét, ngày mai chúng mày tự đi mà sửa nhé. Cái thằng hàng xóm nhà tao tự nhiên đáng ghét thế, để tối tao vác quắm ra chặt đứt ống nước dẫn vào nhà nó, cho bõ ghét, để xem mai nó lấy nước đâu mà ăn. Rồi đường nước chảy từ trên cao xuống, toàn chảy vào bể nhà thằng ở sau lưng tao trước, rồi mới chảy đến máng nhà tao, bực mình, ra tự sửa đường ống, bắt thẳng ống chảy luôn vào máng nhà tao, cho nhanh, thế mà tự nhiên ngày mai nó lại vỡ tung tóe, chắc tại hàng không chất lượng rồi, chứ tao đã buộc cẩn thận lắm rồi mà... Ôi, trăm nghìn cái lý do, nhưng đều đưa lại một kết quả duy nhất, là thiếu nước sinh hoạt. Nước dùng còn chưa đủ, lấy gì mà chăn nuôi với chẳng vệ sinh. Do vậy nếu đầu tư vào đây thì cũng sẽ không hiệu quả bởi lẽ ruộng nương quá xa, khi đi chăn thả sẽ rất bất tiện, vấn đề bảo toàn con giống không đảm bảo. Chúng tôi xuống núi, lòng canh cánh một gánh nặng là phải làm gì đây, để có thể giúp đỡ bà con còn biết bao khó khăn, thiếu thốn?
Chuyến đi này đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng sâu đậm. Biết bao nhiêu điều muốn nói, muốn kể ra mà không biết nên bắt đầu từ đâu. Có lẽ, tôi sẽ bắt đầu từ cuộc sống của những người dân ở đây.
Thực tế là dân bản cũng có chăn nuôi, trồng trọt nhưng cũng chỉ ở mức độ tự cung tự cấp. Mỗi nhà có 1 khoảnh vườn nho nhỏ khoảng vài mét vuông đủ để trồng rau xanh ăn chứ ko có để đi bán (mặc dù nhà nào cũng có thể trồng nhiều hơn nữa vì tôi thấy họ vẫn còn nhiều đất trống). Có một số ít nhà có nuôi lợn hoặc nuôi trâu nhưng nếu như nhà có việc (ma chay cưới hỏi...) là họ sẵn sàng giết mổ, nghĩa là mục tiêu của họ là nuôi để khi có việc thì dùng luôn chứ ko phải nuôi để bán lấy tiền. Khi đi xuống gần một con suối tôi có gặp hai trai bản đang khênh một gùi thịt trâu to đùng lên, nhà có đám ma mà. Ngay như gia cầm (gà, ngan...) không phải nhà nào cũng nuôi, dù rằng chắc chắn họ cũng biết cái lợi của việc chăn nuôi. Hỏi tại sao không nuôi thì họ bảo có nuôi nhưng dịch bệnh lại chết hết. Đó là lý do họ đưa ra chứ tôi thấy ở dưới xuôi bà con ở quê hầu như nhà nào cũng nuôi gia súc, gia cầm, mặc dù vẫn luôn bị dịch. Hơn nữa các anh ở huyện và ở xã cũng có trao đổi là năm nào huyện cũng tổ chức tiêm phòng cho gia súc gia cầm mà. Hỏi xem điều đó có đúng không thì họ cũng khẳng định là năm nào huyện cũng tổ chức tiêm phòng cho gia súc gia cầm. Quả thật không biết nói sao nữa. Trên đường đi khảo sát số liệu thực tế, khi đến một xóm có khoảng hơn 20 nóc nhà tôi đã loay hoay mãi mới đi xuống được đoạn dốc chỉ dài có khoảng 15m, vì con dốc ấy quá trơn lầy và thẳng tuột, còn lúc lên thì tôi gần như phải bò mà cũng không thể lên hết được đoạn dốc, sau đó Meyeuconnhatday phải xuống đỡ tôi mới đi lên hết dốc được. Thực ra vấn đề không nằm ở năng lực leo dốc của tôi hay sự nhiệt tình và nhanh nhẹn của chị Meyeuconnhatday, vấn đề chính là ở chỗ tại sao với một đoạn dốc chỉ dài có khoảng 15m mà hơn 20 nóc nhà ấy không thể cùng nhau cuốc thành những bậc thang để đi lên đi xuống cho thuận tiện, dễ dàng, dù họ đã ở đó bao đời nay? Tôi chỉ nêu lên hiện tượng chứ tôi không dám đưa ra bất cứ lời lý giải nào.
Nhìn những đứa trẻ 2 - 3 tuổi mặc một manh áo rách, hay như những đứa trẻ mặc mong manh chiếc áo sơ mi cũ kỹ, cáu bẩn đi bộ giữa tiết trời lạnh giá để đến lớp mà thấy xót xa. Khi đoàn vào nhà một đôi vợ chồng trẻ mới dựng nhà xong năm ngoái, tôi cứ loay hoay mãi mà không biết ngồi chỗ nào và lòng cứ tự hỏi đến chỗ ngồi mình còn không tìm được thì họ sẽ sống như thế nào trong căn nhà này đây? (Lý do là mấy hôm mưa nên mái nhà bị dột, cả nhà ướt hết, duy nhất có một chỗ được che mấy cái áo mưa lên nóc nhà nên ko bị dột thì cả nhà ngủ ở đó). Khi anh Trọng đưa tôi ra xem cái cối giã gạo bằng nước, dù đứng trước nó 15p mà tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên bởi đã lâu rồi trong tâm trí tôi vẫn luôn cho rằng cối giã gạo bằng nước là cái chỉ có thể có trong những câu chuyện thuộc về thế kỷ trước, thuộc về những gì cổ xưa hệt như cái tên của nó (đến nỗi Meyeuconnhatday phải chạy lại gọi thì tôi mới dứt ra để đi cho kịp giờ). Vẫn biết cuộc sống còn nhiều cách biệt nhưng đứng trước sự cách biệt quá lớn này sao thấy đau lòng quá, phải không các bạn? 
Qua đợt khảo sát tôi thấy để đạt được mục tiêu của chương trình lần này thì ngoài tấm lòng, sự nhiệt huyết chúng ta cần phải thật kiên nhẫn. "Để thay đổi bản tính một con người còn khó hơn thay đổi cả giang sơn", huống hồ đây là cả một cộng đồng với lối sống và nếp nghĩ cũ kỹ, lạc hậu sâu hằn trong họ biết bao thế hệ. Rất nhiều người nói những con người ấy thật đáng thương nhưng họ khổ cũng bởi sức ỳ trong họ quá lớn, và tôi thấy điều đó rất đúng. Nếu như chúng ta giúp đỡ họ về lương thực, thực phẩm, quần áo... thì họ rất phấn khởi và sẵn sàng tiếp nhận, bởi đó là những cái sẽ giúp họ ngay trước mắt trong cuộc sống của họ và thực tế là chúng ta cũng cần hỗ trợ họ về mặt này. Nhưng nếu như chúng ta giúp đỡ họ về CẦN CÂU CÁ thì chúng ta phải theo sát họ thì mới được, chứ không thì khó mà giữ được CẦN CÂU chứ chưa nói về hiệu quả. Có thể dự án này sẽ phải kéo dài hàng năm trời, và tôi tin chắc sẽ có nhiều người vẫn đủ nhiệt huyết và trách nhiệm theo sát chương trình. Thế nhưng khoảng cách về địa lý cũng là một trở ngại lớn cho việc phổ biến PHƯƠNG PHÁP CÂU CÁ nên cũng là một vấn đề mà chúng ta cần phải tính toán chi tết, cụ thể. 

1 nhận xét:

  1. Hu! Hu! 3 mụ xinh đẹp đi mà không rủ tớ đi với. Phí ơi là phí. Giời ơi là Giời!..

    Trả lờiXóa