Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Báo cáo chuyến đi khảo sát Nà É - Lai Châu ngày 19/03/2010

Ngày 20/3/2010 sau khi xem xét, phân tích tình hình, Đoàn khảo sát đã thay đổi kế hoạch không tiến hành khảo sát như dự kiến tại bản Nà Huầy và chuyển hướng sang khảo sát bản Nà É 1 thuộc xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu. Đoàn chia làm 3 nhóm tiến hành công việc, trực tiếp khảo sát đời sống và cách thức chăn nuôi của 31 hộ dân nghèo bản Nà É 1, từ đó rút ra những điểm đáng lưu ý sau:
I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG
- Bản Nà É 1 là một trong những bản tập trung số đông các hộ nghèo của xã Mường Kim (có 31 hộ nghèo trong tổng số 62 hộ của bản, chiếm tỷ lệ 50%)
- Về giao thông địa lý khá thuận lợi cho việc triển khai sự án thí điểm. Từ đường nhựa liên xã đi xuống bản không quá xa (chỉ khoảng vài cây số).
- Đa số các hộ nghèo có lao động chính trong độ tuổi lao động trẻ.
- Hầu hết các hộ nghèo đều có đất canh tác nhưng không nhiều, từ khoảng 500m2 đến 1.000m2//hộ, cá biệt có hộ không có đất canh tác nên nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập của người chồng làm nghề xe ôm. Các hộ đều trồng 2 vụ lúa, 1 vụ ngô và 1 vụ sắn/năm.
- Vật nuôi phổ biến là lợn đen, chỉ có ít hộ có nuôi trâu, dê, gà, vịt. Do diện tích đất ở chật hẹp nên các hộ thường nuôi trâu và dê trên núi cao, chuồng trại sơ sài, tạm bợ.
- Mỗi hộ đều có 1 khoảnh vườn nhỏ để trồng rau ăn, nhưng do khí hậu khắc nghiệt (từ trước tết đến nay vẫn chưa có mưa) nên việc trồng rau cũng không phát triển, thậm chí có hộ không đủ rau trồng để ăn.
- Thu nhập chính trong gia đình chỉ dựa vào những ruộng lúa, ruộng ngô, sắn. Tuy nhiên mỗi hộ thu hoạch giao động từ 400 – 800 kg thóc/năm trong khi mỗi tháng ăn hết khoảng từ 50 – 100kg thóc, vì thế các hộ thường phải ăn độn sắn, ngô quanh năm. Hiện nay ở gần bản có công trình thuỷ điện Bản Chát đang thi công cần nguồn lao động nên thỉnh thoảng các hộ cũng có đi làm thuê, mỗi tháng cũng có thu nhập từ 700 – 1.000.000 đồng, vì thế cũng có thêm được ít tiền mua các vật dụng và thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Tuy nhiên đây là nguồn thu nhập không thường xuyên, thỉnh thoảng mới có, nên cũng không giúp được bà con nhiều trong việc cải thiện đời sống.
- Bản có suối chảy qua bản tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi hơn so với các bản khác 1 chút. Tuy nhiên bản nằm trên lưng chừng ngọn núi nên nước dùng là một vấn đề nan giải. Điển hình là từ trước Tết đến giờ vẫn chưa có mưa, các bể chứa nước không sử dụng, dòng suối nhỏ đã cạn thấy đáy, vườn rau khô nứt, người dân thì không đủ nước sinh hoạt. Đất đai thì khô nứt, cằn cỗi, nhưng khi đến mùa mưa thì nước lại dâng làm ngập những mảnh ruộng dưới thấp.
II. NỘI DUNG LÀM VIỆC VỚI UBND XÃ MƯỜNG KIM
Sau khi buổi làm việc với UBND xã, Đoàn đã thống nhất được những điểm sau:
1. Xác định đối tượng được hỗ trợ của Dự án
- Là hộ nghèo.
- Nguồn lao động chính trong gia đình đang thuộc độ tuổi lao động trẻ.
- Có trình độ hiểu biết nhất định. Có thể họ đã học ít nhất đến lớp 5, hoặc đã từng thoát ly ra ngoài xã hội (như đi bộ đội…), bản thân chủ hộ hoặc người trong gia đình đang đảm nhiệm công tác của xã (như công tác bên Đoàn thanh niên, bên Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ…)
- Có ý chí vươn lên thoát nghèo.
2. Hình thức hỗ trợ
- Cung cấp vật nuôi (dê, lợn) và kỹ thuật chăn nuôi
- Cung cấp nguyên vật liêu để xây dựng chồng trại (mái lợp ploximang đối với nuôi dê và gạch, xi măng đối với nuôi lợn nái)
3. Thành lập tổ giám sát
3.1. UBND xã cử ra tổ giám sát Dự án gồm:
1. Đ/c Nguyễn Văn Dung – Phó Chủ tịch UBND xã
2. Đ/c Lò Văn Đanh - Chủ tịch UBND xã
3. Đ/c Lò Văn Thớm – Cán bộ thú y xã
4. Đ/c Lò Văn Vinh – Bí thư Đoàn thanh niên xã
5. Đ/c Lò Văn Ẹ - Bí thư chi bộ bản Nà É 1
6. Đ/c Hoàng Văn Hoà - Trưởng bản Nà É 1.
3.2. Nhiệm vụ của Tổ công tác:
- Theo dõi tiến trình thực hiện Dự án của các hộ thuộc đối tượng của Dự án.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tình hình chăn nuôi của các hộ.
- Nếu có vấn đề gì phát sinh phải báo cáo ngay với UBND xã và BĐH Quỹ Từ thiện Làm Cha mẹ.
4. Cách thức giải quyết khi phát sinh vấn đề
- Nếu xảy ra dịch bệnh làm vật nuôi bị chết, hộ gia đình đó phải báo cáo ngay cho Tổ giám sát. Tổ giám sát sẽ cử cán bộ thú y đến kiểm tra. Trường hợp phát hiện gian dối (vật nuôi bị giết lấy thịt hoặc bị đem bán) thì hộ gia đình đó sẽ phải đền bù và sẽ bị thu hồi số vật nuôi còn lại để chuyển giao cho hộ khác nuôi.
- Nhà Trưởng bản sẽ là nơi Quỹ TT có thể đến làm việc tập trung với toàn bộ các hộ trong Dự án.
- Quỹ Từ thiện sẽ kết hợp với UBND xã xây dựng bản cam kết với các hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ của Dự án. Theo đó nếu hộ nào vi phạm các điều khoản của bản cam kết sẽ phải chịu trách nhiệm trước chính quyền. Chính quyền sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, xử lý những hộ vi phạm cam kết.
- Mọi hình thức xử lý vấn đề phát sinh sẽ được Quỹ Từ thiện và tổ giám sát phối hợp cùng giải quyết.
III. KẾT QUẢ KHẢO SÁT
Được sự dẫn đường của đồng chí trưởng bản, Đoàn khảo sát đã chia thành 3 nhóm trực tiếp đến khảo sát 31 hộ nghèo trong bản và thu được những kết quả sau:
- Đại đa số các hộ đều trồng lúa canh tác 2 vụ/năm, bên cạnh đó trồng thêm ngô, sắn, đậu tương, tuy nhiên năng suất còn thấp (thường đạt năng suất khoảng 80kg thóc/100m2 canh tác). Phương pháp canh tác phần lớn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên đạt năng suất thấp, đa số các hộ không đủ ăn, phải ăn độn với ngô, sắn.
- Vật nuôi chủ yếu là lợn, gà, vịt, trâu, dê... nhưng số lượng còn ít, cách chăm sóc còn thô sơ, chuồng trại không đủ ấm, không ngăn được gió, vệ sinh chuồng trại chưa đảm bảo, tiêm phòng dịch còn hạn chế dẫn đến gia cầm chết hàng loạt... Đặc biệt trong những năm vừa qua rét đậm, rét hại kéo dài dẫn tới đàn trâu chết rét hàng loạt. Hiện nay rất nhiều hộ gia đình có nhu cầu được nhà nước hỗ trợ trâu kéo, bên cạnh đó một số hộ có nhu cầu mở rộng quy mô đàn dê của mình hoặc nuôi lợn nái nhằm thoát nghèo.
- Đại bộ phận các hộ nghèo đều thiếu áo mặc mùa đông cho cả người già và trẻ em nên việc quyên góp ủng hộ áo ấm là rất cần thiết. Khi được hỏi nguời lớn có nhu cầu về quần áo không thì thường họ trả lời là không.
- Nguồn thu nhập hiện tại của các hộ nghèo chủ yếu là đi làm thuê cho công trình thủy điện Bản Chát (thu nhập khoảng 700.000 đến 1.000.000/tháng), nhưng đây là thu nhập không ổn định thường xuyên (có khi vài tháng mới có việc một lần) và thu nhập cũng chỉ đủ mua sắm các vật dụng tối thiểu trong sinh hoạt như muối I ốt, nước mắm, xà phòng...
- Trình độ học vấn còn thấp, nhiều người không được đi học, nếu có thường chỉ học đến lớp 5, chỉ có vài người học tới lớp 8, lớp 9. Phụ nữ hầu như chỉ ở nhà làm việc ruộng nương, nội trợ và chăm sóc con cái.
Kết luận
Nhìn chung về điều kiện kinh tế của các hộ nghèo mà Đoàn đã đi khảo sát đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về lương thực. Lý do:
- Không có nhiều diện tích đất canh tác.
- Đất canh tác không được cải tạo do:
+ Trình độ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế nên không biết áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác.
+ Đa số đều không có tiền để đầu tư.
+ Ý thức ỷ lại, trông chờ, không chịu khó đã ăn sâu vào đầu óc họ từ bao thế hệ.
- Các cây lương thực khác như ngô, sắn chỉ được trồng 1 vụ/năm. Nguyên nhân là khi hết mùa canh tác thì dân bản thường thả rông gia súc trên núi, thế nên nếu như trồng cây thêm vụ đó thì sẽ bị gia súc nhà khác vào phá hoại hết hoa màu.
- Đa số người dân không có nghề phụ. Tiền sinh hoạt dựa vào lao động chân tay (làm thuê cho công trình thuỷ điện Bản Chát).
- Chăn nuôi: không đạt được năng suất cao, lại hay bị dịch bệnh giết hại do những nguyên nhân sau:
+ Tính chất: mang tính nhỏ lẻ (hộ nào nuôi dê và trâu thì có vài con dê hoặc một con trâu, còn lại phần lớn không có dê hay trâu, số hộ nuôi lợn thì nhiều hơn nhưng mỗi hộ cũng chỉ có 1 con lợn mẹ hoặc thêm vài con lợn con)
+ Hình thức: thả rông chứ không nuôi chuồng. Thường thì trong một gia đình lớn có mấy anh em dồn gia súc vào một chuồng dựng trên một ngọn núi, thường xuyên cắt cử người luân phiên ra trông nom.
+ Thức ăn: dựa vào những thứ có sẵn trong tự nhiên (cây, cỏ trên đồi…)
+ Phòng chống dịch bệnh: không có kế hoạch cụ thể. Chuồng trại thì sơ sài, tạm bợ. Khi vật nuôi chết vì dịch bệnh rất dễ dẫn đến tư tưởng bi quan, chán nản.
+ Một số nguyên nhân khác: ý thức người dân cũng chưa thật sự cố gắng lao động, tìm tòi lối đi để thoát nghèo mà chủ yếu là dựa vào những gì đã có và những gì nhà nước đem đến.
IV. NGUYỆN VỌNG CỦA CÁC HỘ NGHÈO
- Mong muốn được hỗ trợ con giống (trâu, dê, lợn nái).
- Hỗ trợ nguyên liệu xây dựng chuồng trại (đối với chuồng dê: hỗ trợ mái lợp proximang; đối với chuồng lợn: hỗ trợ gạch, xi măng…)
- Hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi.
V. TỔNG KẾT
Sau khi khảo sát, các nhóm đã họp tổng kết và chọn ra đươc 9 hộ nghèo và 1 hộ khác có đủ điều kiện khả năng tham gia vào dự án thí điểm:
1.   Hộ Hoàng Văn Xương
2. Hộ Hoàng Văn Phanh
3. Hộ Hoàng Văn Dương.
4. Hộ Hà Văn Toàn
5. Hộ Lò Văn Xanh
6. Hộ Hà Văn Dớn
7. Hộ Hoàng Văn Ón
8. Hộ Lò Văn Mai
9. Hộ Hoàng Văn Thiêm
10. Hộ Hoàng Văn Hoà - Trưởng bản
VI. KIẾN NGHỊ
Qua đợt khảo sát, Đoàn xin đề xuất với BDH QTT hỗ trợ từng hộ nghèo:
- Con giống: lợn nái, dê
- Nguyên vật liệu xây dựng chuồng trại (đối với hộ nuôi lợn: gạch, xi măng; hộ nuôi dê: mái lợp ploximang)
- Thức ăn cho lợn nái trong vòng 2 tháng đầu
- Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi
- Thuốc tiêm phòng.

Hà nội, ngày 22/3/2010
TM Đoàn khảo sát
Phan Huyền Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét