Dân tộc ta, đặc tính ngàn đời là ko bao giờ chịu khuất phục trước giặc Tàu. Truớc kia, bây giờ và mai sau vẫn luôn là vậy, tôi tin ở điều đó. Dù đâu đây cuộc sống còn nhiều bất công, nhưng tôi vẫn tin nếu có biến, hàng vạn, hàng triệu thanh niên Việt Nam sẽ sẵn sàng khoác áo lính lên đường.
Giờ đây đất nước đang thanh bình, mỗi con người đều phải ngược xuôi với cuộc sống bề bộn. Vì thế những cuộc xuống đường biểu tình có thể có ít, có thể có nhiều người tham gia. Ko sao cả. Chỉ cần có những người vẫn nhớ tới bổn phận của con dân với đất nước, như thế là hồng phúc của non sông rồi. Họ chỉ là những đốm lửa nhỏ, nhưng tinh thần yêu nước của họ cháy rực, đó mới là điều đáng nói. Đồm lửa ấy vẫn cháy, qua hết tuần này đến tuần khác, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm, chứ ko như một món nhậu lai rai. Tinh thần yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao cả trong mỗi trái tim chúng ta, chứ ko phải là một món nhậu. Vì thế nên ko bao giờ là một cuộc "biểu tình lai rai".
Họ, những đốm lửa nhỏ ấy, là tập hợp của tất cả các thành phần xã hội, từ người trí thức đến người lao động chân tay, từ những người là Đảng viên đến những người chỉ là quần chúng, từ những người làm thơ đến những người là kỹ sư xây dựng…, nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm là bất bình trước những bất thường đang xảy ra, lo lắng cho tương lai của đất nước, và họ bày tỏ tình cảm đó bằng việc làm cụ thể: biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn Biển Đông. Biểu tình ôn hòa và thiện chí. Tôi cho rằng đó là hành động thiết thực và ý nghĩa hơn muôn ngàn những lời nói sau cánh cửa của một ngôi nhà bình yên. Có những cuộc tuần hành này, dư luận quốc tế sẽ quan tâm và đánh giá cao hơn về một đất nước nhỏ bé, hiền hòa, và về chính những người dân của đất nước đó. Ko có lý do gì mà nước Mỹ hay các nước ASEAN, hay nhiều nước khác nữa, lên tiếng phản đối Trung Quốc gây hấn Biển Đông, mà những người dân đất Việt lại đóng cửa ngồi nhà, kẻ làm thơ, kẻ chạy chợ, kẻ ngồi uống bia, kẻ đi mua sắm…, mặc quốc gia đại sự, mặc hưng vong quốc gia cho Ông Trời an bài.
Nếu như nói rằng “Lãnh đạo và kiến trúc cuộc chiến chống Trung Quốc vẫn phải là Chính phủ, chứ không phải là dân chúng”, thì hình như là tác giả đã cố tình làm ngơ coi như không biết gì về thực trạng pháp lý hiện nay. Hiến pháp, đạo luật cao nhất của nước ta quy định một trong những quyền hiến định của công dân là quyền được biểu tình (Điều 69 – Hiến pháp 92), nhưng trên thực tế thì lại chưa có Bộ luật biểu tình cũng như các văn bản liên quan quy định, hướng dẫn người dân thực hiện quyền hiến định này. Sự thiếu hụt đó đã khiến cho các cơ quan chức năng có những biến tấu tùy tiện về khái niệm cũng như cách thức xử lý (hay đối phó) đối với hành vi thực hiện quyền hiến định này của công dân. Chưa kể có thể sẽ có những lý do tế nhị khác nữa. Vì thế, nếu như đợi Chính phủ lãnh đạo và kiến trúc cuộc biểu tình, thì thôi, chúng ta, tôi, tác giả, và hàng vạn, hàng triệu người khác cứ việc ở nhà mà làm thơ, mà đi mua sắm, đi uống bia, hoặc đi kiếm tiền…
Thiết nghĩ, nếu như có thể thì hãy góp lửa, chứ tác giả ko nên phát biểu “Biểu tình lai rai đúng là một kiểu tố chất của những người chưa trưởng thành về chính trị”, vì như thế là xúc phạm đến tinh thần yêu nước của những con người đang đốt hết thời gian riêng tư của mình, để cháy sáng lên lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Đây là bài "Biểu tình lai rai" của Đông A Blog
Biểu tình lai rai
Tôi không phải là dân nhậu và kỳ thực cũng không hiểu lối thưởng thức ẩm thực nhậu lai rai. Lối nhậu lai rai có lẽ là một đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ. Bắc bộ không có lối nhậu lai rai, cà kê suốt tối. Hai chữ "lai rai" chợt đến với tôi khi tôi thấy hôm nay Hà Nội lại có cuộc tuần hành nho nhỏ chống Trung Quốc lần thứ 4. Kỳ thực tôi cũng không hiểu ý nghĩa thông điệp của những người tham gia tuần hành. Thông điệp chống Trung Quốc đấy họ muốn gửi cho ai? Gửi cho Chính phủ Trung Quốc? Nếu thế thì làm trò cười cho Trung Quốc bởi vì các cuộc biểu tình ngày càng không to lớn khí thế hơn mà trái lại nhỏ đi ỉu xìu. Như thế khác nào là một khẳng định với Trung Quốc rằng người Việt Nam càng ngày càng không quan tâm tới chuyện chống Trung Quốc, tinh thần chống Trung Quốc càng ngày càng đi xuống. Thông điệp chống Trung Quốc đấy họ muốn gửi tới Chính phủ Việt Nam? Chính phủ Việt Nam quá hiểu tinh thần chống Trung Quốc của dân mình và họ cũng không cần phải có người gửi thông điệp cho, nhất là càng ngày tinh thần biểu tình càng xuống dốc, càng khó làm một lá bài trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc. Lãnh đạo và kiến trúc cuộc chiến chống Trung Quốc vẫn phải là Chính phủ, chứ không phải là dân chúng. Thông điệp chống Trung Quốc đấy muốn gửi tới nhân dân Việt Nam? Một thông điệp mà khí thế càng ngày lại càng yếu đi, theo đúng kiểu nhậu lai rai, thì đấy đúng là một thông điệp dở. Tôi là người yêu thích hoa, tôi thấy những cây hoa mùa xuân, như hoa anh đào, chỉ bừng lên rực rỡ trong vài ngày, và ngay lập tức rụng xuống chứ không leo lắt héo hon lụi tàn trên cây. Khí chất đấy được gọi là khí chất samurai, khí chất của võ sĩ đạo. Cũng như vậy, các cuộc biểu tình chỉ có thông điệp mạnh mẽ khi nó hoặc bất ngờ cháy bùng lên, hoặc ngày càng to lớn mạnh mẽ, tập hợp được đông người hơn. Nếu các cuộc biểu tình ngày càng xỉu đi thì không ai lại tổ chức tiếp làm gì, bởi vì nếu tổ chức tiếp, thông điệp của chúng mất hết ý nghĩa. Những người tham gia tuần hành có lẽ không bao giờ nhận ra được ý nghĩa thông điệp như vậy của một cuộc tuần hành hay một cuộc biểu tình. Cứ xem các nước trên thế giới, không ở đâu có kiểu biểu tình lai rai như ở Việt Nam. Biểu tình lai rai đúng là một kiểu tố chất của những người chưa trưởng thành về chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét