Trang

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Nhạy cảm

Lâm Thị Mỹ Dạ

Em đoán ra rồi thôi anh đừng nói nữa
Một lời đơn giản có gì đâu
Nhạy cảm quá đôi khi thành nghiệt ngã
Tự biết điều không dám nghĩ từ lâu
Em đoán ra rồi, anh cảm ơn em đi
Hãy thanh thản và nhẹ nhàng tiễn biệt
Con đường một chiều sau lưng ai tha thiết
Mắt không dám buồn tê liệt giữa hàng mi
Em đoán ra rồi, anh cảm ơn em đi
Nhưng đừng nói chia ly
Xin đừng nói những gì em khủng khiếp
Để dối lòng em
Còn gì không khi anh chưa thốt ra lời giã biệt
Đừng hiểu em hão huyền em chỉ dối em thôi
Biết là anh đã xa xa thật rồi
Lặng lẽ thế
Chia tay
Đừng nói nữa
Em không đủ lòng bao dung tha thứ
Cho lời tạ từ sắp sửa bước qua môi
Điều ấy …tim em biết trước rồi

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Hướng tới trẻ em vùng cao


Bạn đã bao giờ thấy lòng mình trĩu nặng khi nhìn vào màn sương mù dày đặc bao phủ cả núi rừng? Bạn đã bao giờ thấy lòng mình giá buốt theo tiếng tiếng mưa rơi buồn bã bên những hiên nhà sàn xiêu vẹo, rách nát? Bạn đã bao giờ thấy lòng mình xót xa khi đi trên những con đường lầy lội dẫn vào bản nhỏ? Bạn đã bao giờ thấy trái tim mình nhói đau khi nhìn thấy những em bé co ro trong những manh áo sơ mi mỏng manh, cái quần cũ rách nát đứng ngẩn ngơ trong gió lạnh mùa đông? 


Tôi đã đến, và tôi đã thấy, những mái nhà sàn liêu xiêu, trống huơ trống hoác, những mái nhà không thể che nổi mưa nắng, những cụ già lưng còng, khẳng khiu như que củi khô, những em bé bên đường mặc quần không mặc áo, mặc áo không mặc quần, những ngón chân trần tím tái bấm chặt xuống nền đất đồi lầy lội, những khuôn mặt lấm lem bùn đất... duy chỉ có đôi mắt các em là vẫn to tròn, ngơ ngác, sợ sệt rồi  hân hoan, mừng rỡ khi được cho kẹo... Những bản nhỏ chỉ cách thị trấn Than Uyên của tỉnh Lai Châu có hơn 10 cây số, mà sao cuộc sống lại khác biệt đến vậy?



Tôi không phải là người sinh ra nơi phố thị, lần đầu tiên bước chân khỏi quê nhà để vào trường Đại học, tôi cũng sợ hãi, cũng tự ti, cũng bối rối vô cùng. Nhưng tại mảnh đất này khi nhìn xuống bản nhỏ, lòng tôi vẫn chùng xuống và không khỏi xót xa cho những người dân nghèo nơi đây. Trong tôi nhói lên một cảm xúc kỳ lạ, khó tả bằng lời. Tôi chợt tự hỏi: Tại sao người dân nơi đây vẫn không đủ cơm để ăn, không đủ áo ấm để mặc, trẻ con không đến trường khi đến tuổi cắp sách.... phải chăng nhà nước không quan tâm đến họ hay bởi họ muốn sống như bao đời nay vẫn thế.... Cả ngàn câu hỏi cứ quẩn quanh, thôi thúc trong tôi.






Câu trả lời đến còn khiến tôi nhức nhối hơn khi tôi đi tìm nó. Người dân nơi đây nghèo khó, thiếu thốn bởi nhận thức ấu trĩ, bởi thói chây ỳ, ỷ lại nhà nước, bởi tập quán sinh  sống, thói quen nuôi trồng tự nhiên, bởi trình độ dân trí ở mức thấp nhất... Vậy nếu mình có thể giúp cho họ một manh áo ấm, dăm ba cái kẹo, vài gói mỳ tôm, liệu ngày mai, ngày kia họ có hết đói không?

Tôi tự hỏi tại sao tôi và các bạn - chúng ta không sát cánh bên họ, ăn cùng họ một bữa cơm ngô, uống với họ cốc nước gùi dưới suối, ngủ với họ một đêm trên tấm đệm bằng bông lau tự làm, cùng họ trèo lên núi, ngồi trong lán mà ngắm đất đồi trơ sỏi trắng xoá, thử hứng cái gió, cái rét cắt da cắt thịt da, cảm nhận cái buốt lạnh, tím tái từ đôi bàn chân trần đi đất... để hiểu họ đang nghĩ gì, mong muốn gì... Sao không nắm chặt tay họ, dắt họ đi từng bước, chỉ họ từng điều hay, dạy họ cách nuôi trồng... đưa đến họ với những điều tươi sáng cho ngày mai.... 




Và tôi muốn, tôi muốn nhiều lắm. Tôi muốn các em thơ có cặp sách mới, tập vở mới, náo nức đến trường trong bộ cánh thơm tho, sạch sẽ, chân đi giầy vải ấm áp, khuôn mặt trắng hồng, mắt ánh niềm tươi vui. Tôi muốn các cụ già được mặc manh áo ấm, ngồi bên bếp lửa kín gió mà móm mém nhai trầu... Tôi muốn những thanh niên của núi rừng mộc mạc ấy biết cách trồng cây lúa, nuôi con dê, con lợn một cách khoa học, để học có thể có được nguồn thu nhập ổn định và cải thiện được đời sống của chính mình. Và tôi mơ, mơ về một ngày mai tươi sáng sẽ đến với bản làng. 







Tôi, các bạn - chúng ta không thể làm ngơ với những số phận đói ăn, thiếu thốn quanh năm, chúng ta hãy cùng nhau hành động ngay hôm nay, ngày mai và mãi mãi vì cộng đồng, vì cả chính tương lai của mỗi chúng ta nữa.




 Xin gửi đến các bạn một thông điệp, dù không mới nhưng tôi nghĩ nó luôn cần trong hành trang vốn sống của mỗi chúng ta: Sống trên đời cần có một tấm lòng!

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Chương trình khám sức khỏe và tặng quà cho các em học sinh Khoen On, tháng 03/2012

Giờ chào cờ của các em học sinh Khoen On 1 - nơi có cơ sở vật chất tốt nhất toàn xã

I. Trường Trung học cơ sở dân tộc nội trú Khoen On:
1. Tặng quà cho 310 em học sinh, mỗi suất quà gồm:
- 01 áo khoác đồng phục có in logo của trường
- 01 đôi dép
Dự trù kinh phí: 100.000/suất x 310 em = 31.000.000đ
2. Tặng đồ thực phẩm cho bếp ăn của trường:
- Nước mắm: 04 thùng
- Bột canh: 04 thùng
- Dầu ăn: 04 thùng
Dự trù kinh phí: (160k + 165k +  380k) x 4 = 2.820.000đ
3. Tặng thiết bị y tế cho nhà trường:
- 02 tủ thuốc,
- 02 túi cứu thương
- 01 tai nghe khám sức khỏe
- một số thuốc thông dụng cho nhà trường
Dự trù kinh phí: xin tài trợ

Lớp học tạm được dựng lên, sơ sài đến mức ko thể sơ sài hơn này đã là nơi đào tạo ra biết bao người con ưu tú cho thung lũng Than Uyên

II. Trường Tiểu học Khoen On:
1. Tặng quà cho 533 em học sinh, mỗi suất quà gồm:
- Đồ dùng học tập: 05 quyển vở oli + 01 bút máy + 01 bút chì + 01 thước kẻ + 05 tập giấy màu + kéo + sáp màu + giấy kiểm tra + túi đựng giấy kiểm tra:
Dự trù kinh phí: 20.000.000đ
- Tặng 01 áo hoặc quần mới:  Dự trù kinh phí: xin tài trợ
2. Tặng đồ thực phẩm cho bếp ăn của trường:
- Nước mắm: 04 thùng
- Bột canh: 04 thùng
- Dầu ăn: 04 thùng
Dự trù kinh phí: (160k + 165k +  380k) x 4 = 2.820.000đ
3. Tặng thiết bị y tế cho nhà trường:
- 02 tủ thuốc,
- 02 túi cứu thương
- 01 tai nghe khám sức khỏe
- một số thuốc thông dụng cho nhà trường
Dự trù kinh phí: xin tài trợ

Phòng ở của gia đình một giáo viên trẻ

III. Trường Mầm non Khoen On:
1. Khám sức khỏe và cấp phát thuốc cho 382 em học sinh.
Dự trù kinh phí: khoảng 12.000.000đ
2. Tặng đồ chơi, đồ dùng học tập, bánh kẹo:
- Thú nhún, bóng gai, đồ chơi khác
- Vở tập tô, sáp màu, bút chì:
- Bánh kẹo
Dự trù kinh phí: 8.000.000đ
3. Tặng thiết bị y tế cho nhà trường:
- 02 tủ thuốc,
- 02 túi cứu thương
- 01 tai nghe khám sức khỏe
- một số thuốc thông dụng cho nhà trường
Dự trù kinh phí: xin tài trợ
Tổng dự trù: khoảng 70 triệu
Bên ngoài phòng ở bán trú của các em học sinh Khoen On 1

Mọi sự đóng góp cho chương trình xin gửi về: STK 045.100.152.6654 - Phan Thị Lam Hồng - Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Láng Hạ.
Xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của tất cả mọi người.

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Biệt ly





Vẫn biết rằng tình tựa như mây khói
Mà sao trong lòng vẫn nhớ vẫn thương
Dẫu đã biết cuộc tình chia hai lối
Sao những đêm về lòng da diết khôn nguôi

Ngày ta chia tay mắt anh ứa đọng
Bóng em xa rồi lệ tràn mãi không thôi...
Kỷ niệm hôm qua bây giờ đã cũ
Chẳng biết khi nào lòng này sẽ quên em..

Anh với em gặp gỡ giữa mùa thu
Ngày biệt ly là mùa đông lạnh giá
Đã có đêm nằm chăn bông ướt đẫm
Bởi bóng em về lại vội vã quay đi...

Anh đã tự hỏi bây giờ em ra sao??
Có còn nhớ nhiều khi ta chung bước
Anh ở nơi này vẫn sống cùng kỷ niệm
Giây phút biệt ly như chưa có bao giờ...

Duy Hào, Viêng chăn 08/03/2012

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Khoen On - Than Uyên - Lai Châu, tháng 03/2012


Khoen On là xã vùng cao, phía Bắc giáp xã Ta Gia, phía nam giáp huyện Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp huyện Mường La tỉnh Sơn La, phía đông giáp xã Tà Mung với 10 thôn bản. Địa hình xã Khoen On phức tạp, núi non hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Diện tích tự nhiên của xã Khoen On là 10032ha, có 3912 nhân khẩu; bao gồm 3 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Thái chiếm 82%, dân tộc HMông chiếm 15%, dân tộc Khơ Mú chiếm 3%. Trình độ dân trí còn thấp, nhiều hủ tục lạc hậu chưa được bãi bỏ, nên đời sống của bà con nơi đây còn khó khăn rất nhiều.






Lớp học đơn sơ này đã đào tạo ra rất nhiều người con ưu tú của núi rừng


Toàn xã Khoen On có 06 trường với 75 lớp và tổng số 1.225 học sinh, trong đó Mầm non 02 trường với 19 lớp có 382 học sinh, Tiểu học 02 trường với 43 lớp có 533 học sinh, THCS 02 trường với 13 lớp và 310 học sinh. Có tất cả 144 thầy cô giáo và cán bộ, nhân viên.






Ngoài hai điểm trường chính, trường còn có 8 điểm bản thuộc các bản: On, Sàng, Mở, Đốc và Chế Hạng thuộc điểm trường số 1, và các bản: Mùi I, Mùi II, Tà Lồm, Hua Đán và Noong Quang. Từ điểm trường trung tâm số 1 đi điểm trường bản Sàng chỉ có 2km, đi bản Chế Hạng là 2.5 km, còn đi bản Mở là 8km và bản Đốc thì 9km. Từ điểm trường trung tâm số 2 đi bản Mùi I chỉ có 1km, đi bản Tà Lồm là 10km, đi Hua Đán 12km và đi Noong Quang là 18km. Rất may là duy nhất có điểm Tà Lồm là ko thể di chuyển bằng xe máy được mà phải đi bộ hết khoảng 1 giờ đồng hồ, còn các điểm khác chúng ta đều có thể di chuyển bằng xe máy được


Phòng bán trú vắng lặng vào những ngày cuối tuần


Hiện nay, toàn xã có tổng số phòng học là: 66 phòng; có 06 phòng học nhờ; 02 phòng học mượn nhà dân và có 15 phòng ở bán trú cho học sinh



Cở sở vật chất các trường Khoen On đều đã rất cũ, xuống cấp trầm trọng, một số bản nằm trong vùng di dân tái định cư nên ít được đầu tư sửa chữa, bổ sung (như điểm trường Bản On, Bản Mở), các điểm bản còn lại xa trung tâm, giao thông đi lại chủ yếu là đường dân sinh nên khó khăn trong công tác vận chuyển vật liệu xây dựng... Xã có 01 trường PTDT bán trú mới thành lập và hoạt động trường năm học 2011-2012 nên hệ thống phòng học, phòng bán trú, bếp nấu chủ yếu là dựng tạm không đảm bảo


Trường PTTH số 2 Khoen On lúc nào cũng mờ mây phủ


Vẫn là một lời tôi đã nói: Xin hãy chung tay cùng xây dựng chương trình để nụ cười các em thơ luôn ríu ríu khắp những lối mòn như vết chim di bên lưng chừng vách núi vắng lặng và đơn sơ.


Mọi sự đóng góp cho chương trình xin gửi về:
STK 045.100.152.6654 - Phan Thị Lam Hồng - Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Láng Hạ.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Những nẻo đường tới trường.


Có rất nhiều con đường để đi tới trường, tôi, cũng như rất nhiều người luôn muốn chọn cho những đứa con yêu thương của mình một con đường bằng phẳng, ít gập ghềnh, ko xa xôi. Nhưng đâu phải ai cũng có thể làm được điều mình muốn đó. Tôi đã thực sự nhói lòng đến xót xa khi đi trên những con đường trơn tuột những ngày mưa gió, bụi mù những ngày nắng đổ, và hoang vắng, hoang vắng đến khó tả khi xã hội của chúng ta đã tồn tại đến thế kỷ 21 này.


Lo âu, đó ko phải là cảm giác thường trực ư, khi mà những đôi chân bé nhỏ của các em mỗi ngày phải bước vội qua những ngọn núi trên những lối mòn ngoằn nghèo, hun hút để trở về nhà sau 1 ngày học tập. Túi đeo bên hông, chiếc cặp lồng tung tẩy trong tay theo nhịp bước, đôi má hồng hồng đang dần xanh xao trong ánh ban chiều, ko người lớn đón đưa, cu anh dắt đứa em, hoặc một nhóm 3, 4 em cứ ríu rít, cứ nói cười làm rộn ràng cả núi rừng đơn sơ, về với người mẹ đang đứng đợi bên mái hiên nhà. Những đứa trẻ này như cỏ cây của núi rừng vậy, cứ thế lớn lên, cứ thế bước vào cuộc đời, bản năng đến khâm phục




Xin hãy chung tay cùng xây dựng chương trình để nụ cười các em thơ luôn ríu ríu khắp những lối mòn như vết chim di bên lưng chừng vách núi vắng lặng và đơn sơ.