Từ thiện - đó là 2 từ mà tôi ít khi dùng nhất
trong những cuộc đối thoại cũng như những lúc tự thoại. Với những gì mà ba năm
nay tôi ngược xuôi trên những dẻo núi cao của miền Tây Bắc, tôi chỉ dám nói
rằng đó là sự tham gia vào các hoạt động cộng đồng, chỉ vậy mà thôi.
Ngày 23 âm lịch - tết ông công ông táo năm 2009, lần đầu tiên tôi đặt chân lên 1 ngọn núi của mảnh đất Tây Bắc xa xôi này, tôi đã cháy lòng xót xa khi nhìn thấy 1 cậu bé mặc quần cộc, tay cầm liềm, đang chém cá dưới dòng suối lạnh buốt, trong khi tôi mặc áo lông vũ, đi giày, đeo găng tay và trùm khăn kín mít. Hình ảnh cậu bé đó đến giờ vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi, dù 3 năm qua tôi đã quay trở lại Tây Bắc 17 lần, đã đến và gặp gỡ rất nhiều em bé còn rách rưới và đáng thương hơn. Tôi vẫn chưa kịp biết tên em là gì, nhưng tôi biết tôi ko bao giờ quên được hình ảnh em đứng giữa con suối, đôi bàn chân khô gầy đen đúa ngập trong làn nước buốt giá, cánh tay phải cầm liềm cứ giơ mãi theo ánh nhìn sững của em khi bắt gặp những người lạ đang chăm chú nhìn em.
Tôi đã đến, rồi đi, qua những ngọn núi, qua những con suối, đếm được ko ít những dấu chân lẫm chẫm của các em trên những lối mòn hoang vắng mỗi ngày các em đến trường. Cha mẹ bận lên nương, các em - đứa lớn cõng đứa bé - mà đứa lớn cũng có lớn hơn đứa bé là bao đâu, cứ thế đến trường với những rộn rã hồn nhiên của tuổi thơ. Khi gặp chúng tôi, các em đều khoanh tay: Con chào thầy giáo, con chào cô giáo, với thứ ngữ âm ngòng ngọng ko rõ ràng. Ngạc nhiên, tôi hỏi thầy giáo đi cùng: các cháu bé như thế này, đi từ núi bên kia sang đây, liệu có an toàn ko? Thầy giáo cười, nói ko sao, các em đều tự đi tự về được, mấy em gần nhà thường rủ nhau đi cho vui nên cũng yên tâm. Nghĩ đến các con ở nhà, lúc nào cũng bị nhốt kín sau cánh cổng sắt, rồi lại nghĩ đến các em nơi đây, tự đến, tự về, tự băng qua cả 1 ngọn núi, để đi tìm con chữ, tôi thật ko biết nghĩ sao. Nhưng tôi biết tôi sẽ ko bao giờ quên được cái cảm giác lúc đó của tôi - lòng như chùng xuống và trái tim như thắt lại vì lo lắng và vì xót xa. Vậy mà tôi chẳng kịp nhớ tên 1 em bé nào cả.
Trên đỉnh Noong Quang, khi đoàn chúng tôi vượt qua hành trình thử thách lòng can đảm, đến với bản người Mông nằm trên đỉnh cao, xa và khó đi nhất ko chỉ của xã Khoen On mà còn của toàn huyện Than Uyên, ko chỉ có tôi, mà ít nhất còn có 2 người bạn nữa, đi bên cạnh tôi lúc đó, đã bật khóc khi nhìn thấy những em bé rách rưới đang run lên cầm cập giữa cái lạnh của tháng 3 dương lịch, lúc các em đứng xếp hàng ở cổng trường, bên những cây cột xiêu vẹo gọi là cái cổng, đợi đoàn chúng tôi đến thăm.
Tôi, cũng như tôi tin 2 người bạn kia, 1 nam và 1 nữ, đã rơi những giọt nước mắt từ những xót xa và thương cảm chân thành tự đáy lòng mình trước hình ảnh mà tôi đã bắt gặp trên đỉnh núi mờ sương, dù lúc đó là 11 rưỡi trưa ngày 24/3/2012. Và chúng tôi ko kịp nghĩ đến chuyện hỏi xem những đứa trẻ đó tên là gì. Chúng tôi vội vã lục tìm những manh áo ấm khoác tạm lên cho các em. Có những túi quà ko có áo mà chỉ có quần, có những túi quà lại là cái váy 2 dây, ko phù hợp cũng như ko thể che chắn cho các em khỏi cơn giá lạnh lúc đó, khiến cho người bạn nam đi cùng đã quay lại nhìn tôi 1 ánh nhìn chua chát, 1 lời nói trách móc khiến tôi cháy lòng vì hối hận. Hối hận vì đã ko kịp chuẩn bị quà chu đáo cho các em. Hối hận vì đã mải chụp ảnh bên lớp tiểu học mà để các em bên lớp mầm non phải chờ đợi trong sương mờ giá lạnh.
Một ngày cuối năm 2010, tôi xuống Hải Phòng thăm 1 em bé bị bệnh tim. Em có 1 đôi mắt sáng, to tròn tràn ngập những khát khao, nhưng trái tim em thì quá yếu đuối và chỉ có tiền mới giúp em kéo dài được sự sống. Nhưng nhà em quá nghèo, mẹ em lại đang ốm nặng, nên cũng khó có cơ hội để em được làm người bình thường. Hai tháng sau khi tôi đến, mẹ em mất, tuổi thơ em vốn đã thiếu hụt sức khoẻ giờ lại thêm phần thiếu thốn tình mẫu tử, và sự sống của em cứ lay lắt như vậy, như 1 ngọn đèn trước gió, ko biết bao giờ dầu sẽ cạn... Tôi vẫn nhớ giọt nước mắt của cô giáo chủ nhiệm khi nói về khát khao được đến trường của em, cháy bỏng vô cùng. Mỗi khi sức khoẻ tạm ổn, em lại đến trường, các thầy cô và bạn bè đã quen với sự vắng mặt của dáng hình mỏng manh như liễu mùa thu của em, nên ai cũng đều rất thông cảm và đều rất vui mừng mỗi khi em đến lớp. Việc tôi ko nhớ được tên em, có phải là do tôi hời hợt ko? Có phải ko?
Trong 1 chương trình văn nghệ với các em thiếu nhi HIV của tỉnh Bắc Ninh, năm 2011, tôi đã bật khóc khi nghe 1 em bé trạc 7 tuổi hát. Tôi ko nhớ rõ tên bài hát đó, tôi chỉ nhớ bài đó đã được cả nhà ca sĩ Phương Thảo - Ngọc Lễ và con gái hát. Em đã hát với tất cả niềm say mê và hồn nhiên của 1 đứa trẻ, khoảng cách của bệnh tật ko còn nữa, chỉ còn lại sự im lặng đến phăng phắc của cả 1 hội trường, khi em hát, bởi ai cũng biết ba mẹ em đã mất vì căn bệnh HIV quái ác, và người bà đã trên 70 tuổi hàng ngày vẫn cặm cụi kiếm tiền nuôi em, còn thuốc thang thì em vẫn được nhà nước hỗ trợ. Trái tim tôi đã thắt lại và tôi đã khóc khi nghe em hát. Ba ngọn nến lung linh thắp sáng 1 gia đình - em đã hát vậy, nhưng 2 ngọn nến đã ra đi sau khi truyền cho em căn bệnh quái ác, để rồi ko biết lúc nào - có thể là bất cứ lúc nào - ngọn nến hồng nhỏ bé này cũng có thể bị vụt tắt. Và từ nay đến lúc điều tất yếu đó xảy ra, em vẫn phải chiến đấu chống lại bệnh tật và chống lại chính sự mặc cảm thân phận khi đối diện với sự kỳ thị của cộng đồng, dù sự bất hạnh này ko có lỗi của em.
Tôi ko biết ai đó quan niệm thế nào về những hoạt động cộng đồng, và thực lòng tôi cũng ko quan tâm lắm đến quan điểm của mọi người về vấn đề này. Với tôi, đó giản dị là sự sẻ chia, là cho và nhận đan xen vào nhau. Với tôi, đó là niềm vui nhẹ nhàng tôi thường có sau mỗi chiều đi làm về, tôi tranh thủ qua nhà 1 ai đó để nhận những bịch quần aow cũ, đem về gom góp lại để dành cho những chuyến đi xa. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc lan toả của chính tôi khi nhìn thấy những khuôn mặt lem luốc bừng sáng khi các em gặp gỡ ríu rít bên chúng tôi, nụ cười bẽn lẽn và ngoan hiền. Với tôi, đó còn là niềm vui sướng vô bờ bến mỗi khi được cùng những người bạn thân mến ngược xuôi trên những cung đường Tây Bắc uốn lượn như những dải lụa mềm, mang niềm vui đến với các em nhỏ và nhận lại từ các em niềm hạnh phúc chân thành, giản dị.
Bấy nhiêu, có thể nào xoá đi được hạn chế lớn của tôi: hay quên ko?