Trang

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Không nhớ


Từ thiện - đó là 2 từ mà tôi ít khi dùng nhất trong những cuộc đối thoại cũng như những lúc tự thoại. Với những gì mà ba năm nay tôi ngược xuôi trên những dẻo núi cao của miền Tây Bắc, tôi chỉ dám nói rằng đó là sự tham gia vào các hoạt động cộng đồng, chỉ vậy mà thôi.

Ngày 23 âm lịch - tết ông công ông táo năm 2009, lần đầu tiên tôi đặt chân lên 1 ngọn núi của mảnh đất Tây Bắc xa xôi này, tôi đã cháy lòng xót xa khi nhìn thấy 1 cậu bé mặc quần cộc, tay cầm liềm, đang chém cá dưới dòng suối lạnh buốt, trong khi tôi mặc áo lông vũ, đi giày, đeo găng tay và trùm khăn kín mít. Hình ảnh cậu bé đó đến giờ vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi, dù 3 năm qua tôi đã quay trở lại Tây Bắc 17 lần, đã đến và gặp gỡ rất nhiều em bé còn rách rưới và đáng thương hơn. Tôi vẫn chưa kịp biết tên em là gì, nhưng tôi biết tôi ko bao giờ quên được hình ảnh em đứng giữa con suối, đôi bàn chân khô gầy đen đúa ngập trong làn nước buốt giá, cánh tay phải cầm liềm cứ giơ mãi theo ánh nhìn sững của em khi bắt gặp những người lạ đang chăm chú nhìn em. 

Tôi đã đến, rồi đi, qua những ngọn núi, qua những con suối, đếm được ko ít những dấu chân lẫm chẫm của các em trên những lối mòn hoang vắng mỗi ngày các em đến trường. Cha mẹ bận lên nương, các em - đứa lớn cõng đứa bé - mà đứa lớn cũng có lớn hơn đứa bé là bao đâu, cứ thế đến trường với những rộn rã hồn nhiên của tuổi thơ. Khi gặp chúng tôi, các em đều khoanh tay: Con chào thầy giáo, con chào cô giáo, với thứ ngữ âm ngòng ngọng ko rõ ràng. Ngạc nhiên, tôi hỏi thầy giáo đi cùng: các cháu bé như thế này, đi từ núi bên kia sang đây, liệu có an toàn ko? Thầy giáo cười, nói ko sao, các em đều tự đi tự về được, mấy em gần nhà thường rủ nhau đi cho vui nên cũng yên tâm. Nghĩ đến các con ở nhà, lúc nào cũng bị nhốt kín sau cánh cổng sắt, rồi lại nghĩ đến các em nơi đây, tự đến, tự về, tự băng qua cả 1 ngọn núi, để đi tìm con chữ, tôi thật ko biết nghĩ sao. Nhưng tôi biết tôi sẽ ko bao giờ quên được cái cảm giác lúc đó của tôi - lòng như chùng xuống và trái tim như thắt lại vì lo lắng và vì xót xa. Vậy mà tôi chẳng kịp nhớ tên 1 em bé nào cả.

Trên đỉnh Noong Quang, khi đoàn chúng tôi vượt qua hành trình thử thách lòng can đảm, đến với bản người Mông nằm trên đỉnh cao, xa và khó đi nhất ko chỉ của xã Khoen On mà còn của toàn huyện Than Uyên, ko chỉ có tôi, mà ít nhất còn có 2 người bạn nữa, đi bên cạnh tôi lúc đó, đã bật khóc khi nhìn thấy những em bé rách rưới đang run lên cầm cập giữa cái lạnh của tháng 3 dương lịch, lúc các em đứng xếp hàng ở cổng trường, bên những cây cột xiêu vẹo gọi là cái cổng, đợi đoàn chúng tôi đến thăm.
Tôi, cũng như tôi tin 2 người bạn kia, 1 nam và 1 nữ, đã rơi những giọt nước mắt từ những xót xa và thương cảm chân thành tự đáy lòng mình trước hình ảnh mà tôi đã bắt gặp trên đỉnh núi mờ sương, dù lúc đó là 11 rưỡi trưa ngày 24/3/2012. Và chúng tôi ko kịp nghĩ đến chuyện hỏi xem những đứa trẻ đó tên là gì. Chúng tôi vội vã lục tìm những manh áo ấm khoác tạm lên cho các em. Có những túi quà ko có áo mà chỉ có quần, có những túi quà lại là cái váy 2 dây, ko phù hợp cũng như ko thể che chắn cho các em khỏi cơn giá lạnh lúc đó, khiến cho người bạn nam đi cùng đã quay lại nhìn tôi 1 ánh nhìn chua chát, 1 lời nói trách móc khiến tôi cháy lòng vì hối hận. Hối hận vì đã ko kịp chuẩn bị quà chu đáo cho các em. Hối hận vì đã mải chụp ảnh bên lớp tiểu học mà để các em bên lớp mầm non phải chờ đợi trong sương mờ giá lạnh.

Một ngày cuối năm 2010, tôi xuống Hải Phòng thăm 1 em bé bị bệnh tim. Em có 1 đôi mắt sáng, to tròn tràn ngập những khát khao, nhưng trái tim em thì quá yếu đuối và chỉ có tiền mới giúp em kéo dài được sự sống. Nhưng nhà em quá nghèo, mẹ em lại đang ốm nặng, nên cũng khó có cơ hội để em được làm người bình thường. Hai tháng sau khi tôi đến, mẹ em mất, tuổi thơ em vốn đã thiếu hụt sức khoẻ giờ lại thêm phần thiếu thốn tình mẫu tử, và sự sống của em cứ lay lắt như vậy, như 1 ngọn đèn trước gió, ko biết bao giờ dầu sẽ cạn... Tôi vẫn nhớ giọt nước mắt của cô giáo chủ nhiệm khi nói về khát khao được đến trường của em, cháy bỏng vô cùng. Mỗi khi sức khoẻ tạm ổn, em lại đến trường, các thầy cô và bạn bè đã quen với sự vắng mặt của dáng hình mỏng manh như liễu mùa thu của em, nên ai cũng đều rất thông cảm và đều rất vui mừng mỗi khi em đến lớp. Việc tôi ko nhớ được tên em, có phải là do tôi hời hợt ko? Có phải ko?

Trong 1 chương trình văn nghệ với các em thiếu nhi HIV của tỉnh Bắc Ninh, năm 2011, tôi đã bật khóc khi nghe 1 em bé trạc 7 tuổi hát. Tôi ko nhớ rõ tên bài hát đó, tôi chỉ nhớ bài đó đã được cả nhà ca sĩ Phương Thảo - Ngọc Lễ và con gái hát. Em đã hát với tất cả niềm say mê và hồn nhiên của 1 đứa trẻ, khoảng cách của bệnh tật ko còn nữa, chỉ còn lại sự im lặng đến phăng phắc của cả 1 hội trường, khi em hát, bởi ai cũng biết ba mẹ em đã mất vì căn bệnh HIV quái ác, và người bà đã trên 70 tuổi hàng ngày vẫn cặm cụi kiếm tiền nuôi em, còn thuốc thang thì em vẫn được nhà nước hỗ trợ. Trái tim tôi đã thắt lại và tôi đã khóc khi nghe em hát. Ba ngọn nến lung linh thắp sáng 1 gia đình - em đã hát vậy, nhưng 2 ngọn nến đã ra đi sau khi truyền cho em căn bệnh quái ác, để rồi ko biết lúc nào - có thể là bất cứ lúc nào - ngọn nến hồng nhỏ bé này cũng có thể bị vụt tắt. Và từ nay đến lúc điều tất yếu đó xảy ra, em vẫn phải chiến đấu chống lại bệnh tật và chống lại chính sự mặc cảm thân phận khi đối diện với sự kỳ thị của cộng đồng, dù sự bất hạnh này ko có lỗi của em.

Tôi ko biết ai đó quan niệm thế nào về những hoạt động cộng đồng, và thực lòng tôi cũng ko quan tâm lắm đến quan điểm của mọi người về vấn đề này. Với tôi, đó giản dị là sự sẻ chia, là cho và nhận đan xen vào nhau. Với tôi, đó là niềm vui nhẹ nhàng tôi thường có sau mỗi chiều đi làm về, tôi tranh thủ qua nhà 1 ai đó để nhận những bịch quần aow cũ, đem về gom góp lại để dành cho những chuyến đi xa. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc lan toả của chính tôi khi nhìn thấy những khuôn mặt lem luốc bừng sáng khi các em gặp gỡ ríu rít bên chúng tôi, nụ cười bẽn lẽn và ngoan hiền. Với tôi, đó còn là niềm vui sướng vô bờ bến mỗi khi được cùng những người bạn thân mến ngược xuôi trên những cung đường Tây Bắc uốn lượn như những dải lụa mềm, mang niềm vui đến với các em nhỏ và nhận lại từ các em niềm hạnh phúc chân thành, giản dị.

Bấy nhiêu, có thể nào xoá đi được hạn chế lớn của tôi: hay quên ko?

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Cháu Anh Nhi bị tai nạn ô tô cần được giúp đỡ


Chiều thứ 7 ngày 14/04/2012, tình cờ trong một lần đi nấu và phát cháo từ thiện tại bệnh viện Việt Đức, tôi có nghe nói đến trường hợp cháu Anh Nhi, hiện đang là học sinh lớp 6, quê ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa bị tai nạn rất thương tâm, nên đã ghé vào phòng bệnh thăm cháu. Những gì đã chứng kiến khiến tôi không chỉ bàng hoàng đau xót mà còn bị sốc nặng.

Ngày 12/01/2012, một trong hai xe ô tô tránh nhau đã đâm phải Anh Nhi khiến cháu bị ngã sấp xuống và kéo lê cháu một đoạn khi cháu đang đi dưới lòng đường, sát vỉa hè gần nhà. Tai nạn bất ngờ đã khiến toàn toàn bộ phần bụng dưới bị dập nát. Sau khi được sơ cứu và khâu dúm lại phần nội tạng bị lộ ra ở Bệnh viện huyện, ngày 13/01/2012, cháu đã được chuyển đến bệnh viện Việt Đức trong tình trạng sốc đa chấn thương, huyết áp tụt, dập nát toàn bộ vùng bụng gây dập nát toàn bộ đại tràng, chấn thương thận phải, vỡ bàng quang, tử cung và phần phụ... Dù đã cứu sống được bé, nhưng các bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ toàn bộ đại tràng dập nát, cắt bỏ phần lớn tử cung cũng do dập nát, toàn bộ thành bụng, da, cơ bụng đều đã mất, chưa kể phần phụ, chỉ còn một phần nhỏ tử cung được khâu lại. Do bị mất bàng quang, tử cung còn một phần rất nhỏ nên khả năng sinh con về sau hầu như không có.

Theo TS. Nguyễn Đức Chính, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Việt Đức) thì: “Một hướng điều trị cũng được các chúng tôi nghĩ tới là ghép da cho thành bụng, nhưng cái khó ở chỗ, cơ bụng không còn. Bởi nếu ghép da mà không có cơ sẽ rất bất tiện cho trẻ mỗi khi đi lại, bé khó tự đứng thẳng để đi. Còn nếu để lâu quá mới đưa phần cơ quan bị lộ ra ngoài vào thì có thể gây hội chứng chèn ép, không thích nghi được” (Theo Dân trí).
Chị Ngọc, mẹ cháu cho biết, cháu đã phải mổ 5 lần để tạo hình bàng quang xử lý các vấn đề khác nhưng vẫn chưa ổn định. Gia đình đã phải chi hơn 700 triệu để mổ 5 lần cho cháu nhưng cháu còn phải mổ tối thiểu 6 lần nữa để tạo hình ruột non, ruột già, tạo hình hậu môn giả. Số tiền đó có được do bố mẹ cháu đã phải bán nhà cả gia đình đang ở để lấy tiền điều trị cho cháu và một phần do các nhà hảo tâm ủng hộ giúp đỡ cháu. Ngoài ra, cháu cũng được bảo hiểm chi trả 1 phần, người gây ra tai nạn cũng có gửi ra cho cháu mấy chục triệu. 
Tuy nhiên, hiện nay gia đình đã cạn kiệt về kinh tế, không còn đủ tiền để tiếp tục phẫu thuật cho cháu nữa. Mấy tháng nay bố mẹ cháu đã phải nghỉ việc để ở ngoài này cùng cháu. Tiền thuốc men, phẫu thuật, ăn ở, việc chăm sóc cháu cũng luôn luôn cần có khoảng từ 2 đến 3 người vì cháu phải thường xuyên hút dịch ở ổ bụng, lại không ăn uống được, vì thế rất tốn kém. Chưa kể không biết sau này cháu sẽ sống như thế nào khi trong người cháu toàn là những đồ lắp, cấy, chắp vá, và khi lớn lên cháu sẽ phải đối diện với thực tế về đớn đau bệnh tật và về thiên chức của người phụ nữ có lẽ mãi mãi không bao giờ được thực hiện, khi khả năng sinh nở là hầu như không thể. Trong khi, nếu không có rủi ro xảy ra, Anh Nhi sẽ là một cô gái xinh xắn, chăm ngoan, sẽ có thể bước chân vào giảng đường đại học, sẽ là một người vợ hạnh phúc và là một bà mẹ viên mãn với những đứa con yêu.
Rất mong mọi người hãy quan tâm giúp đỡ cháu, để xoa dịu bớt nỗi đau về thể xác và tinh thần cho cháu, cũng là giúp đỡ bố mẹ cháu phần nào sự khó khăn về kinh tế giai đoạn này.
Hiện tại Anh Nhi đang nằm điều trị tại giường 12, phòng 3, Khoa Nhi, bệnh viện Việt Đức.
Địa chỉ nhà cháu: Số 21 tổ 5 Thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
SĐT của anh Tuấn - bố cháu: 0902.127.673.
SĐT của chị Ngọc – mẹ cháu: 0128 801 8509.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Chương trình Trao một ngàn niềm vui cho các em học sinh trên cao nguyên đá Đồng Văn


“Nơi chúng tôi muốn đến đó không phải là những khu đô thị sầm uất, không phải là một hành trình khám phá hay du lịch mạo hiểm. Nơi chúng tôi muốn tới, đó là những vùng đất khô cằn sỏi đá, những nơi mà không một phương tiện cơ giới nào có thể đến được. Nơi đó còn nhiều khó khăn lắm, các em học sinh còn thiếu thốn lắm và nơi đó là nơi đang có rất nhiều cánh tay đang đưa lên đợi chờ sự chia sẻ…”
Là một phần diện tích tự nhiên của Đồng Văn – địa danh đươc cả nước biết đến với một cái tên khá nổi tiếng: công viên đá Đồng Văn, nhưng những ngọn núi đá ôm trọn hai xã Hố Quáng Phìn và Sảng Tủng - hai xã nghèo cách thị trấn Đồng Văn 55km lại không phải là điểm đến của những người yêu khám khá vẻ đẹp của tự nhiên. Đơn giản bởi nơi đây chỉ có một thứ đất chen đá quá khô cằn, và đá nhiều hơn đất, đến nỗi mà khi có người không ở cõi trần nữa mà về làm ma xứ khác thì cũng chỉ được người thân chôn cất trong những hỏm đá tai bèo trên ngút ngàn núi đá, chứ không có vuông đất nào được dành ra để dành cho người đã khuất như ở dưới xuôi. Giao thông đi lại rất khó khăn do đường xá trên đây chủ yếu là đường núi đá lởm chởm, dốc chồng lên dốc, nên những ngày nắng hay ngày mưa đều rất khó đi. Và đất đã khô cằn lại hiếm hoi chỉ để dành cho sinh sống và nuôi trồng của người sống, nhưng nguồn nước lại khan hiếm đến độ có nơi chỉ đủ nước để bà con canh tác 1 vụ ngô trong năm. Vì thế, đói nghèo cứ chồng lên đói nghèo mãi không thôi.
Nằm cheo leo trên những ngọn núi đá, Hố Quáng Phìn và Sảng Tủng là nơi tập trung chủ yếu là đồng bào H’Mong sinh sống, thuộc diện những xã thuộc diện nghèo nhất trong số 19 xã của huyện Đồng Văn, có số lượng học sinh là 1.209 em.
Trường PTCS Hố Quáng Phìn có 449 em học sinh, trong đó có 232 em học sinh nữ, có 90% học sinh người H’Mong và 10% học sinh người Dao. Trường có 8 điểm trường, trong đó có 1 điểm chính (có các em học sinh từ lớp 3 đến lớp 9) và 7 điểm lẻ (có các em học sinh lớp 1 và lớp 2). Các em học đến lớp 3 thì sẽ về học tập trung tại điểm chính. Trong số các điểm trường lẻ còn có điểm trường Mua Trù Ván chưa được xây nhà cấp IV mà vẫn là nhà ở ghép tạm. Toàn trường có 239 em học sinh nội trú, trong đó Tiểu học có 138 em, THCS có 101 em. Tổng số Giáo viên và cán bộ trường là 51 người. Số phòng học là 43 phòng, trong đó có 14 phòng học kiên cố, 28 phòng học cấp 4 và 1 phòng học tạm.
Trường mầm non Hố Quáng Phìn có 208 em học sinh trên 9 điểm trường, trong đó chỉ có 1 điểm trường chính là được xây dựng kiên cố, còn lại vẫn là nhà tạm hoặc ghép chung với tiểu học.
Trường PTCS Sảng Tủng có 380 em học sinh, trong đó 163 em học sinh nữ, 100% các em đều là người H’Mong. Trường có 10 điểm trường, trong đó có 1 điểm chính trong tổng số 15 bản của xã là đã được xây dựng kiên cố, 6 điểm được xây nhà cấp 4 và 3 điểm vẫn chỉ là nhà tạm. Tại các điểm lẻ thì mở rộng đến lớp 1 và lớp 2, các cháu học lớp 3 trở lên đến lớp 9 thì về học tập trung tại điểm trường chính giống như Hố Quáng Phìn. Toàn trường có 128 em học sinh nội trú, trong đó Tiểu học có 81 em và THCS có 47 em. Tổng số Giáo viên và cán bộ của trường có 44 người. Số phòng học là 29 phòng, trong đó phòng học kiên cố là 14 phòng, phòng học cấp 4 là 12 phòng và phòng học tạm là 3 phòng. Ở hầu hết các điểm trường lẻ, học sinh lớp 1 và lớp 2 thường ghép lớp với nhau do số học sinh ít và số phòng học cũng ít, lực lượng giáo viên cũng thiếu nhiều.
Trường mầm non Sảng Tủng có 172 em học sinh trong tổng số 9 điểm trường. Trừ 1 điểm chính đã được xây dựng kiên cố, còn lại hầu hết các điểm lẻ đều đang là nhà tạm hoặc học ghép cùng với tiểu học.
Trong một chuyến đi khảo sát, Chi hội Ford Escape – thuộc diễn đàn Otofun.net đã đến và làm việc với đại diện chính quyền địa phương, ban Giám hiệu trường PTCS và trường mầm non của hai xã. Chúng tôi thực sự cảm thông và mong muốn chia sẻ những khó khăn với đồng bào nơi đây.
Vùng đất cao nguyên cằn khô sỏi đá, để sống và tồn tại đã là rất khó, khi nguồn nước khan hiếm, đất cũng ko nhiều. Lo ăn uống đã khó, việc học hành của trẻ còn khó khăn gấp bội. Vào mùa cạn, trẻ em phải giúp cha mẹ, đi quãng đường hàng chục cây số mới có được can nước mang về dùng. Cha mẹ quanh năm vật lộn với thiên nhiên để mưu sinh, hầu như thiếu lúc nào cũng thiếu ăn, vẫn như cách đây hàng ngàn năm trước. Vì thế, chẳng mấy ai quan tâm đến việc học chữ của con cái, các em đều phải tự học cũng như tự lo cho bản thân mình. Đã có rất nhiều em phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.
Người dân ở đây hầu như chẳng mấy ai biết đến bệnh viện, biết đến khám sức khỏe. Ốm đau thì tới gặp bà mế hoặc thầy cúng. Hiện tượng suy dinh dưỡng, còi xương là phổ biến. Các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa không được điều trị kịp thời hàng năm lấy đi sinh mạng của không ít trẻ thơ - một điều không đáng có, khi mà đất nước đang ngày một phát triển, hội nhập, thì nơi đây, nơi mà sự tồn tại của con người với quốc tịch Việt nam góp phần đánh dấu chủ quyền, đánh dấu cột mốc biên giới của Tổ Quốc lại đang phải chịu những thiệt thòi gần như không thể hóa giải được.
Dẫu đã có những tâm huyết của những người thầy cô giáo, những cán bộ y tế sẵn sàng bỏ cuộc sống tiện nghi của mình để đến nơi, gùi từng cái chữ, cõng từng viên thuốc đến với đồng bào. Nhưng sức người có hạn, một người hay vài người dẫu có cố gắng đến đâu cũng không thể làm gì để thay đổi nhiều được cho vùng đất này.
Nhưng đáng trân quý nhất là trên những lưng chừng núi đá hoang sơ và heo hút ấy, vẫn có những bước chân miệt mài cõng con chữ trên lưng trong những ngày đông gió rét cũng như những ngày hè lộng gió, mang cái chữ về thay đổi cuộc đời và thay đổi bản nhỏ cô đơn của các em.

Chi tiết chương trình 
“Trao một ngàn niềm vui cho các em học sinh trên cao nguyên đá Đồng Văn”
Được sự đồng ý của Ban điều hành diễn đàn Otofun.net cũng như sự nhất trí cao của các thành viên trên diễn đàn, Chi hội Ford Escape đã tổ chức chương trình “Trao một ngàn niềm vui cho các em học sinh trên cao nguyên đá Đồng Văn”, với những nội dung chính sau đây:
1. Khám sức khỏe cho các em học sinh mầm non tại 2 xã Hố Quáng Phìn và Sảng Tủng:
- Tại trường mầm non Hố Quáng Phìn có 208 em học sinh, trường mầm non Sảng Tủng có 172 em học sinh nhưng ở mỗi nơi đều chỉ tập trung tại điểm trường chính khoảng hơn 100 em, còn lại là phân bố rải rác tại 8 điểm trường lẻ.
- Qua chuyến đi khảo sát, chúng tôi nhận thấy ở đây, các em thường mắc một số bệnh thông thường như: hô hấp, dinh dưỡng, các bệnh ngoài da và bệnh đường ruột.
- Dự kiến vào chiều ngày 28/04/2012 và cả ngày 29/04/2012, chương trình khám sức khỏe sẽ thực hiện tại hai điểm trường chính nêu trên, ngoài hơn 200 em học sinh của hai điểm trường chính sẽ có một số em học sinh tại các điểm bản ở gần được bố mẹ và các cô giáo đưa đến khám tại điểm trường chính. Số em học sinh ở điểm lẻ quá xa thì chương trình sẽ gửi thuốc bổ lên tặng các em chứ ko thể đến từng điểm được do có những điểm trường chỉ có 7 em học sinh, nhưng để đi đến được những điểm đó thì phải mất hơn nửa ngày vừa đi bằng xe máy, vừa đi bộ.
- Do hai xã dù giáp ranh nhưng lien thong khó khăn nên đoàn sẽ chia thành 2 nhóm.
+ Các nhóm chủ động thực hiện công việc khám sức khỏe tại địa bàn đã được phân công.
+ Công tác tập trung các em học sinh sẽ do Ban giám hiệu nhà trường chịu trách nhiệm.
+ Mỗi bàn khám sẽ có 1 giáo viên địa phương hỗ trợ các công việc như: cung cấp thông tin về họ tên, tuổi, tình trạng sức khỏe của các em và phiên dịch lời các em nói cho các bác sĩ, theo cách thức: giáo viên chủ nhiệm lớp nào sẽ phụ trách công việc liên quan nói trên của lớp đó.
+ Sau khi khám và kê đơn cụ thể thì sẽ phát thuốc luôn cho các em học sinh, bỏ gọn và riêng biệt trong từng túi nilon nhỏ, tuy nhiên giáo viên chủ nhiệm của các em sẽ nhận thuốc và để tạp trung tại lớp học, mỗi ngày cô giáo sẽ cho các em uống thuốc theo đơn, tránh tình trạng các em mang về uống quá liều hoặc làm mất mát.
- Ngoài ra, 1 số em học sinh PTCS có thể lực quá yếu hoặc nghi vấn có bệnh lý trong người thì sẽ được các thầy cô trong Ban giám hiệu giới thiệu và được ưu tiên khám. Nếu xét thấy cần thiết thì khuyến cáo gia đình và nhà trường chuyển bệnh viện tỉnh khám – điều trị.
- Nhóm bác sĩ sẽ chủ động lên phương án khám sức khỏe cho các em học sinh sao cho phù hợp, hiệu quả và chính xác nhất.
2. Tặng quà cho các em học sinh PTCS và mầm non tại 2 xã Hố Quáng Phìn và Sảng Tủng:
2.1. Mỗi suất quà cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 tại 2 xã bao gồm:
+ 01 áo khoác đồng phục
+ 01 đôi giầy Thượng Đình xuất khẩu
+ 02 đôi tất
2.2. Phần quà tặng các cháu học sinh mầm non tại 2 xã bao gồm:
+ Thuốc bổ và các thuốc khác theo đơn của bác sĩ khám trực tiếp
+ Tập tô màu
+ Thú nhún: 36 con cho 18 điểm trường
+ Đồ chơi khác
+ Sách truyện
2.3. Phần quà cho bếp ăn nội trú của 2 trường:
+ Xây dựng 4 bếp ga sử dụng nguyên liệu tự nhiên rất có sẵn trên các vùng núi cao
+ Khay đựng cơm canh.
+ Dầu ăn, nước mắm, bột canh, xì dầu, cá khô…
2.4. Quà tặng chung:
+ Tặng 6 tủ thuốc có đi kèm các loại thuốc thông dụng và các đồ bông băng cần thiết.
+ Tặng 1.260 suất bánh kẹo cho các điểm trường thuộc 2 xã
+ Tặng quần áo, sách truyện, đồ chơi cũ…
Dự kiến tổng chi phí khoảng 165.000.000VND


Chương trình dự kiến sẽ được thực hiện theo lộ trình sau:
1. Ngày 27/04/2012:
- 13h: Xuất phát tại Sân vận động Mỹ Đình
- 19h 30: ăn tối và nghỉ tại TP Hà Giang.
2. Ngày 28/04/2012:
- 6h sáng tập trung ăn sáng
- 7h xuất phát
- 10h 30 – 11h 30: ăn trưa tại thị trấn Yên Minh
- Đoàn sẽ chia thành 2 nhóm đến 2 xã thực hiện công việc khám sức khỏe và tặng quà cho các em học sinh.
- Nhóm 1 vào Hố Quáng Phìn: đi theo hướng Yên Minh – Mậu Duệ - Sín Lủng – Hố Quáng Phìn.
- Nhóm 2 vào Sảng Tủng: đi theo hướng Yên Minh – Sủng Là – Sảng Tủng.
- Ở mỗi nhóm đều cắt cử thành từng nhóm nhỏ để các thành viên của nhóm thực hiện các công việc được phân công như: nhóm khám sức khỏe, nhóm trao tặng quà tại điểm trường chính, nhóm trao tặng quà tại 1 số điểm lẻ.
- Cuối ngày hai nhóm sẽ gặp nhau tại thị trấn Đồng Văn, giao lưu cùng các thầy cô giáo trên cao nguyên ngàn đá.
3. Ngày 29/04-01/05:
- Khám phá các cung đường từ cực Bắc qua Đông Bắc của tổ quốc với các cung đường: Mèo Vạc, Bảo Lạc, Tĩnh Túc, hang Pắc Pó, thị xã Cao Bằng, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Quảng Uyên, Đông Khê, Thát Khê, Lạng Sơn, Hà Nội
- Nhóm bác sĩ và các tình nguyện viên sẽ quay lại Hố Quáng Phìn và Sảng Tủng tiếp tục thực hiện việc khám sức khỏe.
- Các thành viên khác bắt đầu chương trình tham quan các điểm du lịch tại Đồng Văn, Mèo Vạc như: phố cổ Đồng Văn, chợ phiên chủ nhật, dinh vua Mèo, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pí Lèng…
Mỗi hành trình là một chuyến đi với những bắt đầu và kết thúc, nhưng những chuyến đi thiện nguyện của chúng ta thì ko bao giờ kết thúc, mà sẽ là nối dài mãi những tấm lòng, những vòng tay kết tình yêu thương. Rất mong các bạn cùng đến, cùng đi và cùng sẻ chia với chúng tôi trên những nẻo đường xa xôi còn nhiều khó khăn của Tổ quốc ta.


 
 


Chùm ảnh về chuyến đi Thăm và khám sức khỏe cho các em học sinh Khoen On – Than Uyên – Lai Châu tháng 03/2012

up sau

Chùm ảnh về chuyến đi Thăm, khám sức khỏe và tặng quà cho các em học sinh Khoen On – Than Uyên – Lai Châu tháng 03/2012

up sau

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Nhạy cảm

Lâm Thị Mỹ Dạ

Em đoán ra rồi thôi anh đừng nói nữa
Một lời đơn giản có gì đâu
Nhạy cảm quá đôi khi thành nghiệt ngã
Tự biết điều không dám nghĩ từ lâu
Em đoán ra rồi, anh cảm ơn em đi
Hãy thanh thản và nhẹ nhàng tiễn biệt
Con đường một chiều sau lưng ai tha thiết
Mắt không dám buồn tê liệt giữa hàng mi
Em đoán ra rồi, anh cảm ơn em đi
Nhưng đừng nói chia ly
Xin đừng nói những gì em khủng khiếp
Để dối lòng em
Còn gì không khi anh chưa thốt ra lời giã biệt
Đừng hiểu em hão huyền em chỉ dối em thôi
Biết là anh đã xa xa thật rồi
Lặng lẽ thế
Chia tay
Đừng nói nữa
Em không đủ lòng bao dung tha thứ
Cho lời tạ từ sắp sửa bước qua môi
Điều ấy …tim em biết trước rồi